18 Tháng 10 2018
David Duong, MD, MPH, Thành viên Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT)
Tôi lớn lên trong một gia đình di dân. Chúng tôi nghèo và đã nhận trợ cấp của chính phủ.
Năm 1991, gia đình chúng tôi di cư từ Việt Nam, xứ sở đã bị tàn phá bởi chiến tranh, đến Holland, Michigan. Trong quá trình, chúng tôi đã dựa rất nhiều vào sự hào sảng của người Mỹ và chính phủ của họ. Vé máy bay từ Việt Nam đến Mỹ, chúng tôi mua với số tiền chính phủ Mỹ cho mượn, và ba má chúng tôi đã trả lại chính phủ $50 mỗi tháng trong vòng 5 năm liền.
Trong 1 năm rưỡi, chúng tôi đã thuê một căn nhà do chính phủ tài trợ. Chúng tôi được dinh dưỡng bởi các phiếu thực phẩm (food stamps) đủ màu mà má tôi mang đổi lấy đồ ăn ở siêu thị Meijer. Tôi được ăn trưa miễn phí tại trường tiểu học Van Raalte. Chương trình trợ cấp y tế Medicaid đã giúp chúng tôi thanh toán phí tổn của những lần đi khám bác sĩ. Sau khi em gái tôi chào đời, má tôi đã nhận được trợ cấp từ chương trình Phụ Nữ, Bé Sơ Sinh và Trẻ Em (WIC) để mua rau trái, sữa, ngũ cốc ăn sáng và phô-mai cho gia đình. Khi nhìn lại, tôi tự hỏi chúng tôi đã ra sao nếu không có các chương trình trợ cấp đó của chính phủ. Chúng tôi đã là gánh nặng cho nước Mỹ trong ba năm đầu tiên đó - Gia đình tôi đã nhờ vả vào và đã sử dụng sự trợ giúp của chính phủ.
Trong ba năm nhận trợ cấp xã hội, ba tôi đã làm ca đêm cho một xưởng đóng gói thịt. Cuối tuần, ông lãnh luôn ca phụ để kiếm thêm tiền. Má tôi làm thợ may cho một xưởng quần áo và sau đó làm thợ dây chuyền sản xuất lọ dưa chuột muối của công ty Heinz. Tôi còn nhớ mùi chua trên quần áo và tóc sau những buổi bà đi làm về. Tôi nhớ vào cuối tuần, tôi và ba má đã đi bộ trên những con đường, một tay tôi cầm cái chỉa dài, tay kia vác bao ny-lông lớn, nhặt lon nhôm từ vỉa hè. Chúng tôi để dành lon, và mỗi tháng mang đổi lấy 10 xu cho mỗi lon.
Ba má tôi làm việc rất vất vả trong những năm lãnh trợ cấp xã hội. Mặc dù cực nhọc, chúng tôi vẫn không kiểm tiền đủ để sống và vẫn cần trợ cấp chính phủ. Trợ cấp thực phẩm, nhà cửa và điện nước đã giúp ba má tôi được yên ổn mà xây dựng ước mơ cho con cái, và do đó, chúng tôi đã lớn lên trong sự bao che, ấm áp, được đầy đủ dinh dưỡng và áo quần.
Lưới an toàn đó đã cho phép tôi đạt được ước mơ trở thành một bác sĩ. Giờ đây, tôi được hân hạnh phục vụ bất cứ ai bước qua ngưỡng cửa văn phòng y tế của chúng tôi. Tôi đang trả lại sự trợ giúp của nước Mỹ bằng cách giúp đỡ những người đang cần các dịch vụ của chính phủ, với ước mơ có được một tương lai sáng sủa hơn, trong đó mọi người đều có thể cống hiến cho nền kinh tế và cuộc sống đa dạng của quốc gia này.
Ngày 10 tháng 10 vừa qua, Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Đạo Liên Bang đã đưa ra một điều luật mới để nới rộng định nghĩa của “gánh nợ công quỹ” (public charge), hoặc những ai nhà nước cho rằng sẽ có thể lệ thuộc vào nguồn tài trợ của chính phủ liên bang. Luật mới này sẽ cho phép chính phủ tước đi quy chế thẻ xanh của người nhập cư hợp pháp nếu họ sử dụng các chương trình trợ cấp như Medicaid, Chương Trình Bổ Túc Dinh Dưỡng (SNAP), và trợ giúp nhà cửa.
Luật mới này sẽ bắt buộc nhiều gia đình phải cân nhắc giữa lựa chọn những trợ giúp tối cần thiết về y tế, nhà cửa và dinh dưỡng hoặc từ chối các chương trình đó với hy vọng củng cố tình trạng nhập cư của họ. Một biện minh được đưa ra là luật mới này sẽ khiến người nhập cư phải tự túc và ít lệ thuộc hơn vào trợ giúp dài hạn của chính phủ. Đây là một luận điệu sai lầm.
Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy sự trợ giúp của chính phủ thật ra đã giúp các gia đình đạt được sự tự lập kinh tế nhanh chóng hơn. Các phân tích dài hạn cho thấy người nhập cư cống hiến cho tiền thuế của Mỹ nhiều hơn họ sử dụng, ở cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Tiền đóng thuế của người nhập cư trang trải 93 phần trăm những trợ giúp họ nhận được từ chính phủ, so với con số 77 phần trăm từ những người sinh ra tại Mỹ.
Khi nghĩ về chính sách đang được đề nghị này, tôi tự hỏi nếu áp dụng cho chúng tôi, chúng tôi đã phải hy sinh điều gì? Bỏ đi khám bác sĩ hay nhịn ăn? Ba má tôi liệu dám mơ ước có được một mái nhà của chính mình? Liệu tôi có dám mơ ước trở thành bác sĩ? Chắc chắn đời tôi, và đời của tất cả các trẻ em nhập cư khác như tôi, đã thay đổi hoàn toàn nếu chính sách đó đã có hiệu lực trên chúng tôi.
Chúng ta vẫn còn thời gian để hành động. Dự luật liên bang này của chính phủ Trump phải trải qua thời kỳ 60 ngày cho người dân bày tỏ ý kiến (cho đến ngày 10 tháng 12) trước khi trở thành chính sách. Bạn có thể can thiệp ngay bây giờ: hãy góp ý với chính phủ tại địa chỉ mạng bit.ly/2Cr5Yos; vận động và loan tải thông tin về dự luật rất tệ hại này trên mạng xã hội; hãy liên lạc Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của bạn.
Chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng để con em của người di dân và nhập cư, những đứa trẻ như tôi, được trợ giúp qua các dịch vụ cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển - để tất cả chúng ta có đủ can đảm mà nuôi dưỡng những ước mơ vĩ đại.
-- David Duong, MD, MPH, là Phó Giám Đốc của Chương Trình Y Tế Tổng Quát Quốc Tế và Thay Đổi Xã Hội tại Trường Y Khoa của Đại Học Harvard và là Cố Vấn Kỹ Thuật về lãnh vực củng cố các hệ thống sức khỏe cho Liên Hiệp Thúc Đẩy Tiến Bộ Sức Khỏe tại Việt Nam, một chương trình quốc tế của Trường Y Khoa thuộc Đại Học Harvard. Ông cũng là Bác Sĩ Nội Trú thâm niên tại Bệnh Viện Brigham & Phụ Nữ tại Boston, MA và là một cựu học giả Fulbright.