PHỎNG VẤN MỘT CỰU TÙ NHÂN GỐC VỊÊT TRONG DANH SÁCH BỊ TRỤC XUẤT
/24 Tháng 3 2019
Thắng Đỗ, thành viên của PIVOT
Lời mở đầu:
Vào năm 2008, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã ký một thỏa thuận với Việt nam về vấn đề trục xuất người Việt ở Mỹ trái phép và những người đã bị kết án ở Mỹ. Cũng theo thỏa thuận này, những người đã đến Mỹ trước khi Mỹ Việt bình thường hóa quan hệ vào tháng bảy năm 1995 không thuộc vào thành phần bị Mỹ trục xuất. Khi Donald Trump đắc cử tổng thống, chính quyền Trump bãi bỏ điều khoản này và bắt đầu thủ tục trục xuất tất cả các người có tiền án, bất kể họ đến Mỹ lúc nào. Đối tượng của Trump gồm cả những người đã mãn hạn tù, có nghĩa là họ đã trả nợ đầy đủ cho xã hội theo quy định của tòa án. Nhiều người trong họ đã đến Mỹ từ lúc còn rất nhỏ và hoàn toàn không biết gì về Việt Nam. Trục xuất họ sẽ làm nhiều gia đình tan vỡ: vợ mất chồng, con mất bố, ông bà mất con… và xã hội có thể mất một công dân hữu dụng.
Tuy nhiên, phía Việt nam đã dựa vào thỏa thuận đã ký để từ chối nhận các người trong diện này. Chính quyền Trump tiếp tục gây áp lực lên phía Việt nam; áp lực chắc chắn đi đôi với các điều đình thương mại và an ninh. Không ai biết bao giờ phía Việt nam sẽ nhượng bộ, nhưng hiện tại những người tị nạn trong diện này đang sống trong tình trạng bất an, hoang mang không biết tương lai của mình và gia đình mình đi về đâu.
Gần đây, chúng tôi có dịp phỏng vấn một nhân vật trong diện này và đã chuyển ngữ cuộc trao đổi từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Đây là một người đàn ông chúng tôi biết đến do nhiều công việc xã hội anh đã tham gia một cách tình nguyện. Đến gặp chúng tôi, anh mặc bộ đồ có lẽ sang trọng nhất anh sở hữu: quần tây, sơ-mi và áo khoác ngoài, tất cả màu đen. Anh nói chuyện vui vẻ, cởi mở, không có vẻ gì là một người đã ở tù trong nhiều năm và chỉ mới tại ngoại trước đây không lâu.
* * *
Hỏi: Anh làm ơn giới thiệu thân thế.
Trả lời: Tôi tên là Lâm Kế Nghiệp, tên gọi bình thường là Ke (phát âm như ‘key’ – chìa khóa). Năm nay tôi 42 tuổi và hiện đang sống ở Oakland, California. Tôi là một cựu tù nhân hình sự. Tôi vào tù lúc 17 tuổi do tội giết người và đã ở tù 24 năm. Năm 2017, tôi được tạm tha do hạnh kiểm tốt, dưới sự kiểm soát của các nhân viên tạm tha (probation officer). Tôi nghĩ, đây là cơ hội trời ban để làm lại cuộc đời. Nhưng cảnh sát di trú ICE chờ tôi ở phòng đợi của nhà tù, và tôi bị bắt lại ngay lập tức và bị giam thêm 6 tháng. Nhờ sự bế tắc trong điều đình với Việt nam, tôi lại được tạm tha lần nữa. Gần đây, tôi đã lập gia đình với một người bạn học cũ. Nhưng cuộc sống của tôi như treo bằng sợi chỉ, đứt lúc nào không biết.
Hỏi: Anh sang Mỹ trong dịp nào và anh có thể kể về gốc gác gia đình ở Việt nam trước đó?
Trả lời: Tôi sang Mỹ năm 4 tuổi. Tôi hiểu biết rất mù mờ về gốc gác gia đình ở Việt nam ngày xưa. Bố mẹ tôi không chịu kể cho tôi biết gì ngoài những điều căn bản. Bên ngoại tôi không có ai ở Mỹ, trong khi gia đình bên nội xa lánh anh em chúng tôi. Tuổi thơ của tôi có nhiều khoảng trống mà không biết bao giờ tôi mới lấp lại được.
Cả hai phía gia đình tôi là người Việt gốc Hoa, đã sống nhiều đời tại Hải Phòng. Theo bố mẹ tôi kể, gia đình xuống thuyền vượt biên năm 1978, lúc chiến dịch bài Hoa rầm rộ khắp nước Việt nam. Lênh đênh 6 tháng trên biển, cuối cùng đến được Hồng Kông. Tôi không thật sự hiểu được làm sao chúng tôi sống sót trong một thời gian dài như thế trên biển, và những lời kể chuyện của bố mẹ không rõ ràng. Ở trại tị nạn Hồng Kông hai năm – em trai kế tôi sinh ra trong trại – sau đó được một người bà con ở Sunnyvale, California, bảo lãnh sang Mỹ. Gia đình rồi cũng không ở đấy lâu, chúng tôi dọn đi rất nhiều nơi mà bây giờ tôi không còn nhớ.
Hỏi: Anh còn nhớ gì về những năm đầu tiên ở Mỹ?
Trả lời: Ký ức đầu tiên tôi có được là ở trong một chung cư rất nghèo ở khu Potrero Hill, San Francisco. Đây là một khu toàn người da đen, chúng tôi là gia đình Á châu duy nhất. Bố mẹ bỏ anh em tôi ở nhà và đi suốt ngày. Lúc đó tôi khoảng 5 tuổi, bất cứ khi nào ra ngoài cũng bị các trẻ con khác đánh đuổi. Tôi chạy, chúng ném đá hay các thứ khác theo, có khi còn giục chó đuổi theo nữa. Cách tự bảo vệ duy nhất của tôi là chạy, chạy mãi.
Cho đến một ngày, tôi bị sáu đứa vây vào trong góc sân. Chúng bảo tôi có hai lựa chọn: đánh tay đôi với một đứa trong chúng, hoặc nếu không chúng sẽ đập tôi tàn tệ. Không có cách nào khác, tôi đành chỉ vào một thằng không lớn hơn tôi lắm. Khi đã bị dồn vào chân tường, tôi khám phá là tôi đánh nhau không tệ. Tôi đánh thằng đó ngã, rồi ngồi lên nó định thụi thêm thì thấy năm đứa kia sát lại. Tôi nghĩ chúng sẽ hùa vào đánh tôi, nhưng không, một thằng đưa tay kéo tôi lên rồi khen: “mày OK!” Cả bố mẹ thằng bị đánh sau đó cũng ra. Họ không nói gì với tôi nhưng mắng con họ dở, để cho thằng “chinaman” kia đánh ngã.
Hỏi: Thế có phải đó là khúc ngoặt đối với anh không? Đánh lại chứ không còn chạy nữa?
Trả lời: Vâng, từ sau đó, chúng ít đánh tôi hơn. Nhưng đi học với tôi vẫn là sự khổ sở. Ngôn ngữ chính ở nhà là tiếng Quảng đông, nên hầu như tôi không biết chữ tiếng Anh nào khi nhập học. Được cho vào lớp ESL (tiếng Anh cho người nước ngoài), nhưng đồng thời tôi vẫn phải theo chương trình học thường. Tôi nhớ lúc khoảng 9 tuổi, một thày cho rằng tôi bị chậm phát triển hay cứng đầu, bắt tôi ra ngồi ngoài cửa lớp để chờ đến giờ ESL, ngày này sang ngày khác.
Hỏi: Thế còn gia đình anh lúc đó như thế nào?
Trả lời: Không khí trong gia đình còn tệ hơn ở trường. Bố mẹ thường xuyên cãi lộn và bố đánh mẹ. Anh em tôi chỉ biết thu vào trong góc giương mắt nhìn, hay chạy vào phòng ngủ đóng cửa lại và bịt hai tai để bớt nghe tiếng la hét và chửi bới. Năm tôi 8 tuổi, mẹ gọi cảnh sát khi bị bố đánh. Bố bị còng đi, rồi sau khi được thả, quay trở lại lôi đứa em tôi lên Sacramento sống.
Ở nhà một mình, nên tôi lêu lỏng suốt ngày. Mẹ tôi đi từ sáng sớm đến tối khuya, có khi mang theo bạn trai về. Họ uống rượu, hút thuốc và cần sa. Tủ lạnh trong nhà ít khi có thức ăn, nên tôi thường xuyên đói. Tôi lang thang ở khu chợ xin tiền người lạ, rồi dùng tiền đó đi mua thức ăn và quần áo. Thèm đồ chơi, tôi bắt đầu ăn cắp ở tiệm, và một lần bị an ninh trong chợ bắt được. Họ không gọi cảnh sát mà gọi mẹ đến đón tôi về. Mẹ nhìn tôi không nói gì, chỉ ký tên để lãnh tôi ra. Tôi có cảm giác mẹ cũng chẳng quan tâm tôi có an nguy hay không, miễn tôi không làm phiền bà.
Ít lâu sau, gia đình được tin ông bà ngoại vượt biên và chết ngoài biển. Tôi không hiểu rõ chi tiết, nhưng sau vụ này mẹ tôi trở thành trầm cảm. Bà cũng bắt đầu mê đánh bài và nợ nần rất nhiều. Bà và bạn trai hay to tiếng với nhau. Có lần bạn trai dí súng vào mẹ (súng của bà, mua để tự vệ vì đã bị cướp mấy lần trong khu xóm mất an ninh đó). Tôi định nhảy vào bảo vệ mẹ, nhưng bạn trai đã bỏ đi ra ngoài.
Hỏi: Trở lại chuyện trường học. Dần dần rồi anh có thấy dễ thở hơn không?
Trả lời: Lên cấp hai, tôi bị chuyển trường sang một khu vực khác và phải dùng xe buýt công cộng đi học. Bọn ở trường mới rất ghét dân của khu Potrero Hill, nên tôi luôn luôn bị đánh. Thường là mấy đứa xúm vào đánh hội đồng. Tôi bỏ học, không đến trường nữa. Tôi chơi với hai đứa bạn, một người Samoan, một Mễ. Chúng tôi đi lang bang với nhau suốt ngày, có tiền thì mua thuốc lá hút.
Điểm học của tôi rất kém, nên họ lại chuyển tôi sang một trường đặc biệt cho các học sinh chậm phát triển. Trớ trêu thay, chính ở đây, tôi bắt đầu cảm thấy gần gũi với các bạn học và thày cô. Tôi gặp một thày quan tâm đến tôi và làm cho tôi ham học. Điểm tôi từ dưới 1 phẩy lên đến 3,6. Tôi đọc sách thường xuyên, và khá trên mọi môn. Tôi tham gia vào đội điền kinh của trường. Tôi nộp đơn và được nhận vào Lowell High School, trường trung học công tốt và khó vào nhất ở San Francisco. Nhưng mẹ tôi vứt đơn đó đi, nói bà không biết đó là trường nào và không muốn tôi đi học xa.
Tôi chuyển sang Mission High School, trường rất đông người Mễ và Tàu. Tôi không quen ai, bọn Tàu hầu hết hiếu học không chơi với tôi. Lại đánh nhau và lại bỏ học. Điểm của tôi lại rớt xuống đến mức thậm tệ. Ít lâu sau, mẹ cũng dọn nhà sang Richmond bên kia vịnh, một thành phố rất nghèo, hầu hết là người da đen và Mễ, và tôi lại chuyển trường qua bên đó.
Ở trường mới, chỉ có vài đứa người Lào và Dao chịu chơi với tôi, nhưng lúc đó tôi chưa biết chúng thuộc về một băng đảng Đông Nam Á. Bọn khác thấy tôi chơi với những đứa này, khi tôi đi một mình bị chúng vồ lấy và bị nhiều trận đòn hội đồng. Tôi phải tránh đi riêng và cố gắng luôn luôn đi cùng những đứa bạn châu Á để được bảo vệ. Tôi vào băng đảng một cách rất tự nhiên rồi từ đó, bắt đầu hiểu về các băng đảng khác nhau, như Norteños và Sureños, các băng đảng Mễ khét tiếng.
Vào băng đảng rồi, tôi nhanh chóng học một điều là phải luôn luôn tỏ ra ngon lành, bất cần đời và tuyệt vô không sợ hãi. Tôi đã nhiều lần đánh nhau tay đôi với những thằng da đen hay Mễ. Chúng to và khỏe, nhưng tôi nhanh hơn. Chúng đánh tới thì tôi đã né và luồn ra sau lưng chúng. Thường tôi thắng nhưng có khi thua. Lúc bị đánh, tôi chịu đau và không bao giờ kêu ca hay tỏ ra mình sợ hãi.
Chúng tôi ăn cắp đồ ở tiệm rồi đem bán lấy tiền mua rượu và thuốc lá. Tôi tập uống bia, những lon bia lớn 40 oz., và hút trung bình 3 gói Marlborho đỏ mỗi ngày. Rượu, thuốc lá, đánh nhau, đó là đời sống của tôi thuở đó. Mẹ tôi biết nhưng làm ngơ, vì chính bà cũng chẳng khác gì mấy.
Hỏi: Rồi xảy ra vụ giết người?
Trả lời: Hôm đó tôi đang ngồi với bạn băng đảng, một đứa chạy về nói băng Mễ đang tụ tập gần đó. Bọn tôi bảo nhau đi ra dằn mặt chúng. Nhưng đó là một băng thứ dữ, nhiều đứa trong đám không dám đi. Tôi muốn tỏ ra không sợ nên cùng 4 đứa khác nhảy lên xe. Đến nơi, thấy bọn chúng gần 20 đứa, nhưng chúng tôi vẫn sáp vào. Chỉ vừa kịp lời qua tiếng lại, thì mấy xe cảnh sát ập ngay vào giữa. Chúng tôi có cớ để giải tán.
Một thằng bạn chở tôi về nhà. Ngồi trên xe, tôi thấy hai đứa tôi nhận được mặt trong đám băng Mễ kia, một trai một gái. Tôi kêu thằng bạn quay xe lại. Hai đứa kia bỏ chạy. Xe tới gần, tôi cầm dao bấm ở tay nhảy xuống rượt bộ theo. Qua một chỗ quẹo góc đường, tôi vượt qua đứa con gái và rượt kịp thằng con trai. Tôi chồm vào, thụi một nhát mạnh. Nó quỵ xuống vỉa hè. Không cần biết nó như thế nào, tôi chạy ngược lại để nhảy lên xe tẩu thoát.
Ngày hôm sau tôi bị cảnh sát bắt. Đứa con gái nhớ được bảng số xe. Cảnh sát lái vòng khu phố và nhanh chóng bắt thằng lái xe. Nó khai ra tôi.
Tôi được chỉ định một luật sư công miễn phí (public defender) để biện hộ. Đây là một anh da trắng, có lẽ rất thiếu kinh nghiệm hay quá bận rộn để chuẩn bị cho phiên tòa. Nhân chứng của chính phủ toàn là những tay tội phạm, kể cả những thành viên cùng băng đảng với tôi. Nhưng luật sư của tôi không biết cách chất vấn cái quá khứ thiếu tin cậy của chúng, trong khi ông chánh án và công tố viên cười giỡn với nhau. Tôi bị kết tội cố sát, xử như người lớn: 25 năm tù cộng thêm 2 năm do liên lụy đến băng đảng.
Hỏi: Đời sống ở tù như thế nào?
Trả lời: Tôi ở nhiều nhà tù, bắt đầu từ một trung tâm giam giữ vị thành niên, rồi do đánh nhau – tôi bênh một người bạn bị đánh - bị chuyển sang tù người lớn. Nơi cuối cùng là một trong những nhà tù dữ dằn nhất, San Quentin. Đời sống trong tù tương đối dễ chịu nếu biết quan hệ khéo léo với các tù nhân khác. Tôi làm bạn với nhiều người và chơi thể thao – đó là cách kết bạn dễ nhất. Tuy thế, không phải là không có đụng chạm, kể cả đánh nhau, nhưng tôi cố gắng tránh né việc này càng nhiều càng tốt.
Hỏi: Rồi sao anh được tha sớm?
Trả lời: Năm 2010, tôi có cơ hội đầu tiên để xin giảm án. Trước hội đồng xét xử giảm án, gia đình của nạn nhân bị tôi giết có mặt để phát biểu ý kiến. Bà mẹ đứng lên chỉ mặt tôi nói: “mày là đồ quỷ dữ, mày đã cướp mất mạng sống của con tao.” Mặc dầu hồ sơ tôi tốt, và có vài người lên tiếng ủng hộ tôi, hội đồng bác yêu cầu giảm án và tôi quay trở lại nhà tù. Lần đầu tiên tôi tự hỏi, tôi có phải là quỷ dữ hay không? Cho đến giây phút đó, tôi chưa thực sự chấp nhận tôi đã làm điều gì sai trái. Tôi đổ lỗi cho hoàn cảnh, thậm chí cho cả nạn nhân đã khiêu khích tôi. Tôi chưa hề hối hận, và chưa hề đối diện với sự thật là tôi đã hủy diệt đời sống của nạn nhân cũng như gia đình họ.
Câu nói của bà mẹ tiếp tục ám ảnh tôi.
Cùng lúc đó, vài người bị án chung thân (lifers) tìm đến nói chuyện với tôi. Họ là những người không còn hy vọng gì về tương lai vì sẽ phải mãi mãi sống trong tù. Họ hỏi tôi: “mày muốn được về nhà không? Và quan trọng hơn, mày muốn ở lại nhà hay muốn quay trở lại tù?” Họ muốn nói đến xác suất rất cao của cựu tù nhân, sau khi được thả ra, phạm tội trở lại và bị án tù mới. Họ khuyên tôi ghi danh vào một chương trình gọi là Healing Circle – Vòng Tròn Hàn Gắn. Ở trong nhóm này, các tù nhân thành thật chia xẻ kinh nghiệm cá nhân. Tôi bắt đầu hiểu rằng cái quá khứ của chúng tôi đều na ná giống nhau. Đó là những quá khứ đau thương, hận thù và bạo động. Tôi cũng nhận thấy rằng chúng tôi đều đang chiến đấu với một con quỷ dữ hiện diện ngay trong cá nhân mỗi người. Bạo động dẫn đến bạo động, dưới một chu kỳ không bao giờ chấm dứt.
Tôi quyết định là chính mình phải thật sự thay đổi.
Tôi tham gia vào một chương trình mang các tù nhân như tôi đến tiếp cận với vị thành niên ở ngưỡng cửa của tội phạm, những người như tôi hai mươi năm trước. Tôi nói chuyện với nhiều giới liên hệ: các nạn nhân của tội phạm, những người có khuynh hướng muốn tự tử và các em học sinh vướng hay sắp vướng vào tội phạm. Tôi cũng giúp vận động trước Quốc hội California cho 3 dự luật chỉnh đốn hệ thống luật pháp đối với vị thành niên và cùng lúc, ghi danh học một chương trình đại học hàm thụ cho tù nhân. Tôi tốt nghiệp bằng cán sự nghệ thuật (Associate of Arts) về ngành chữa trị tâm lý (psycho-therapy), chuyên về quản trị nóng giận (anger management) khi còn ở trong tù.
Năm 2014, tôi quay trở lại hội đồng xin giảm án. Mẹ của nạn nhân lần này nhìn thẳng vào mặt tôi và nói từ tốn và rõ ràng trước hội đồng: “Tôi tha thứ cho anh. Tôi cảm thấy anh đã thật sự thay đổi; anh là một con người khác so với người đã cướp mạng sống của con tôi trước đây.” Hội đồng chấp nhận yêu cầu, và tôi được chấm dứt án tù vào tháng 11 năm 2015.
Hỏi: Rồi sao anh bị ICE bắt?
Trả lời: ICE – cảnh sát di trú – chờ tôi ở phòng đợi của nhà tù tiểu bang và giam tôi thêm 6 tháng. Do sự bế tắc trong điều đình Việt-Mỹ, tôi được thả ra.
Hỏi: Nhìn lại, anh có thể chia sẻ suy nghĩ về những gì đã xảy ra?
Trả lời: Trước đây, tôi vẫn thường thầm trách mẹ tôi đã không làm đúng chức năng của người mẹ và đã không bảo vệ tôi. Tôi cho rằng những khó khăn của đời tôi là từ bố mẹ ra cả. Nhưng bây giờ, tôi không còn nghĩ thế nữa. Những gì đã qua, hãy để cho nó qua. Hãy hướng về tương lai và làm điều tốt nhất có thể cho mình và cho mọi người. Có lẽ chưa bao giờ mẹ và tôi thân thiết như bây giờ. Tôi hiểu bà hơn và hiểu nỗi khó khăn của bà khi bơ vơ một mình sang đến sứ xở này. Tôi cũng tha thứ bố tôi, tuy hình như ông vẫn chưa thật sự nhìn lại mình, những gì ông đã làm và đã không làm.
Tôi trở thành một nhân viên của Asian Prisoner Support – Cơ Quan Hỗ Trợ Các Tù Nhân Gốc Á Châu. Nhiệm vụ của tôi là phối hợp quá trình tái hội nhập xã hội của các cựu tù nhân. Như tôi đã nói trên, khả năng tái phạm và bị tù trở lại của những người này rất cao. Tôi cố hết sức giúp đỡ họ không mắc phải lỗi lầm đó.
Đồng thời, tôi quyên góp và sửa xe đạp để phân phối cho trẻ em trong các khu vực nghèo. Tôi cũng tình nguyện gìn giữ các công viên ở đó. Tôi làm việc hầu như không nghỉ, chính vì tôi đã đánh mất hơn hai mươi năm của cuộc đời, và bây giờ tôi không còn có thể cho phép tự lãng phí như thế nữa.
Thắng Đỗ là thành viên của Hội Đồng Quản Trị của Pivot, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến. Anh gửi bài cho tòa soạn từ San Jose, California.