Lại Có Nổ Súng Trong Trường Học

11 tháng 4 2017

Mai Khanh Trần, bác sĩ nhi khoa, nhà giáo dục, người làm mẹ
Thành viên Tổ chức Người Mỹ gốc Việt Cấp Tiến, PIVOT
Thành viên của Hội Dân chủ Người Mỹ gốc Việt, VADC, của Quận Cam

Tim tôi chợt thót lại trong giây phút.  Sau đó, tôi cảm thấy như mình bị đấm vào bụng, cảm giác đau đớn giống như lần đầu tiên khi tôi nghe về vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook cách đây gần 5 năm trước.  Lại thêm một vụ nổ súng nữa trong trường tiểu học?  Lại thêm một vụ nổ súng nữa ở San Bernadino?  Lúc đó tôi đã khóc và bây giờ tôi đang khóc.  Nhưng bất chấp tất cả những giọt nước mắt và những lời phát biểu cảm động từ các nhà lãnh đạo dân bầu của chúng ta, chúng ta vẫn chưa có được một luật kiểm soát súng mới kể từ ngày khủng khiếp đó.  Vì vậy, thôi khóc đủ rồi, người mẹ gấu này phải lên tiếng.

Tôi không cần nhắc lại con số người đã chết vì bạo lực súng trong những năm qua.  Con số đơn giản là quá nhiều.  Tôi không cần nhớ lại cú sốc vì những cái chết này đối với cộng đồng và gia đình chúng ta.   Nó đơn giản là quá đau đớn.   Nhưng tôi cần nhắc nhở mọi người rằng súng là vũ khí giết người, và Hoa Kỳ là quốc gia có một số luật kiểm soát súng lỏng lẻo nhất trong thế giới văn minh.  Súng, khi ở trong tay người xấu, giết nhiều người hơn và giết người nhanh hơn.  Và súng, thông thường thì, dù không phải lúc nào cũng vậy, lại rơi vào tay kẻ xấu.

Tôi tôn trọng Tu Chính Án Thứ Hai, quyền được mang vũ khí.  Nhưng xã hội đã phát triển, công nghệ đã thay đổi nhiều đến độ quyền con người được sinh sống trong môi trường không có bạo lực - quyền được đi học an toàn, quyền được bảo vệ con cái, quyền được nhìn thấy con cái lớn lên - nên có ưu tiên trên hết.  Không ai muốn lấy đi quyền mang súng của Tu Chính Án Thứ Hai.  Chúng ta chỉ muốn có những hạn chế theo ý thức chung để bảo đảm quyền mọi người sẽ được bảo vệ như nhau trong một xã hội phức tạp.

Sau vụ nổ súng giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ở Orlando, Thượng nghị sĩ Murphy từ Connecticut, tiểu bang nhà của vụ thảm sát Sandy Hook, đã đứng phát biểu đầy nhiệt tình suốt 15 tiếng đồng hồ trong một nỗ lực huy động các nhà lập pháp đồng nghiệp thông qua những luật lệ cấm giữ không cho các cá nhân nguy hiểm được quyền có súng như:  mở rộng phần kiểm tra lý lịch toàn bộ, bổ sung thông tin về những hồ sơ người có vấn đề sức khoẻ tâm thần vào cơ sở dữ liệu quốc gia, đòi hỏi kiểm tra lý lịch của những người mua súng tại các hội chợ triển lãm súng và qua mạng, và có những quy định để  cảnh báo các cơ quan chức năng khi có cá nhân trong danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ muốn mua súng, chỉ là những yêu cầu theo ý thức chung, chứ không có gì là quá đáng.  Tuy nhiên, đã không có dự luật nào được thông qua, đã không có gì thay đổi.  Tôi đã đau lòng cho Thượng nghị sĩ Murphy ngày hôm đó, và ngày hôm nay lại đau lòng cho tất cả các bậc cha mẹ của những đứa trẻ trong lứa tuổi đi học--lúc trái tim của họ thót lại trong một khoảnh khắc ngắn khi họ nghe thấy những câu "nổ súng trong trường học".  Hôm nay tôi đã khóc ròng khi nhìn thấy những hình ảnh quá quen thuộc của các em nhỏ, nắm tay nhau, đi bộ theo hàng mộtqua sân trường, giống như những người tù, người tù trong một thế giới bạo lực của súng.

Nhưng thôi đủ rồi không khóc nữa, người mẹ gấu này khẩn khoản xin tất cả những người mẹ gấu, bố gấu,  và ông bà cô bác chú dì anh chị em gấu, hãy về nhà và ôm chặt lấy các con cháu của mình ngày hôm nay, rồi ngày mai đi đến văn phòng các đại diện Quốc Hội và đặt câu hỏi với họ "lập trường về luật kiểm soát súng theo ý thức chung của các ông bà là thế nào?  Và "tại sao ông bà không tranh đấu hơn nữa để bảo vệ con cái của chúng ta?"