Lẽ ra, Trump phải dang tay đón chào người di dân

August 12, 2019
Jacqueline Thanh, Executive Director of VAYLA

Originally published in The Advocate and republished and translated here with permission from the author.

Trong tháng hai vừa qua, một nhóm người tị nạn gốc Việt đứng bên ngoài một buổi họp của Hội Đồng Thành Phố New Orleans. Cùng với các hàng xóm sinh trưởng tại Mỹ, họ phản đối dự án xây một xưởng chế biến khí đốt vì nó thải ô nhiễm độc và gây đến 210 triệu đô-la phí tổn đánh vào tiền thuế của dân. Bốn tháng sau, một chánh án cho biết quyết định pháp l‎ý: giấy phép xây xưởng không được chấp thuận!

Đây chỉ là một trong nhiều chướng ngại cộng đồng tị nạn gốc Việt tại đây đã vượt qua được – từ thoát khỏi chiến tranh trong thập niên 1970 cho đến xây dựng lại làng xóm sau trận bão Katrina. Bây giờ họ đã giúp biến thành phố thành một nơi an toàn hơn cho mọi người. Tôi đã không ngạc nhiên về điều này. Sinh ra tại Mỹ với bố mẹ là người tị nạn Việt gốc Hoa, tôi đã từ lâu hiểu được sức mạnh và tính dẻo dai của những người bị buộc phải rời bỏ quê hương họ. Là giám đốc điều hành của VAYLA, một tổ chức phi vụ lợi của cộng đồng nhằm khuyến khích giới trẻ và các gia đình tham gia vào lãnh vực công l‎ý xã hội, tôi thấy được hàng ngày cách cộng đồng 14 ngàn người gốc Việt biểu hiện tình yêu của họ với thành phố này.

Đó là lý do tất cả chúng ta nên lo ngại khi nghe nói rằng Tổng thống Donald Trump định sẽ giảm số người tị nạn được nhận vào nước Mỹ xuống số không; trước đó, ông đã cho hạ con số tối đa của 2019 xuống 30 ngàn, mức thấp nhất trong 40 năm nay. Và chúng ta đã thấy việc này ảnh hưởng đến Louisiana thế nào. Trong năm 2018, chỉ có 28 người tị nạn định cư ở tiểu bang này, xuống từ 84 người năm 2017 và 173 người năm 2016.

Đây là một diễn biến rất tệ hại cho New Orleans. Người tị nạn gốc Việt tại thành phố này đã bỏ nhiều thập niên làm việc trong ngành kỹ nghệ hải sản, gồm cả trong nghề đánh cá và các xưởng chế biến. Ngay cả sau vụ Deepwater Horizon khi dàn khoan dầu ở biển bị nổ và làm đổ dầu xuống biển, khi ngành kỹ nghệ này xuống dốc và nhiều người mất việc, người tị nạn đã ở lại đây thay vì di chuyển sang các khu vực khác để tìm các cơ hội mới. Và họ đã biểu hiện lòng quyết tâm cải tiến điều kiện sống của khu vực này khi sáng lập Hợp Tác Xã Nông Dân Rau Cải. Ngày nay, hợp tác xã của họ cung cấp rau cải cho nhiều chợ thực phẩm và nhà hàng địa phương.

Ngoài việc hỗ trợ các tiệm ăn tại đây, chính nhiều người tị nạn và con cháu của họ là tiểu thương. Tiệm bánh Dong Phương, cơ sở được trao giải thưởng James Beard và cung cấp bánh mì cho nhiều nhà hàng địa phương, là một tên tuổi quen thuộc khắp thành phố. Du khách đến từ khắp nơi để thưởng thức cách làm đặc sản ‘king cake’ của họ. Và nhà hàng Việt tên Namese ở Mid-City, cống hiến cách chế tạo đặc thù của họ cho món po-boy được yêu thích ở thành phố này.

Người tị nạn cũng có những đóng góp quan trọng trên toàn quốc. Trên bình diện quốc gia, lợi tức gia đình của người tị nạn là hơn 77 tỉ đô-la, họ trả gần 21 tỉ đô-la tiền thuế, và họ giúp giải quyết những thiếu hụt nhân sự trong các ngành như y tế và công sưởng sản xuất, theo dữ kiện của NAE. Họ cũng mở doanh nghiệp ở mức cao hơn những người sinh ra tại Mỹ: 13% so với 9%. Ngày nay, cả nước có hơn 180 ngàn doanh gia gốc tị nạn, với lợi tức khoảng 4.6 tỉ đô-la.

Cắt giảm số người tị nạn được nhập cư – chưa nói đến chấm dứt chương trình tái định cư của chúng ta – đương nhiên là sự vi phạm vào các giá trị nhân đạo quốc gia. Không có chính sách tị nạn của Mỹ, bố mẹ tôi đã không thể nào thoát khỏi sự tàn phá của cuộc chiến trong những năm đó, và cho tôi cơ hội trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học. New Orleans là bằng chứng rằng nếu Tổng thống thực sự muốn gây dựng sức mạnh cho quốc gia, ông nên mở rộng cánh tay mà đón người tị nạn vào.

Jacqueline Thanh là Giám đốc Điều hành của VAYLA, một tổ chức phi vụ lợi cộng đồng nhằm khuyến khích giới trẻ và các gia đình tham gia vào lãnh vực công l‎ý xã hội.