Một Buổi Chiều Nghẹt Thở

13 Tháng 10 2018

Thang Do, San Jose, CA, Thành viên của PIVOT

(Bài đăng trên Việt Báo)

Tôi còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy. Điện thoại cầm tay để trên bàn rẹt rẹt mấy tiếng to. Không phải là tiếng rung của ai đó gọi, mà cũng không phải tin nhắn bình thường. Tôi mở điện thoại, thấy một tin khẩn từ sở cảnh sát quận hạt: “trường Redwood đang bị phong tỏa – lockdown”. Suy nghĩ đầu tiên của tôi cho rằng chỉ là một báo động nhầm như vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Chừng một phút sau, điện thoại rẹt rẹt lần nữa: tin báo từ học khu, trường bị phong tỏa do tình nghi có người mang vũ khí vào trường. Con tôi đang có lớp nhạc sau giờ học ở đấy. Thông cáo yêu cầu phụ huynh không vào trường, mà chỉ đậu xe bên kia đường để chờ tin. Đang dự buổi họp, tôi đứng lên, đi ngang phía sau nguời chủ tọa để nói nhỏ tôi có việc gấp cần đi.

Trên xe, radio đang tường thuật về một tay súng xâm nhập vào trường học. Xướng ngôn viên không nói tên trường, nên tôi đinh ninh họ đang nói về trường của con tôi. Vợ tôi vừa gửi tin nhắn, tôi vừa lái vừa đọc vội: cô đã đến bãi đậu xe bên kia đường chờ. Vẫn theo dõi nghe đài, vài phút sau tôi biết là họ đang nói về một trường hợp khác bên tiểu bang South Carolina, mà nạn nhân là ba học sinh trung học và một giáo viên. Hung thủ là một học sinh khác, đã bắn cha chết ở nhà trước khi vào trường. Tôi nhẹ người, nhưng đồng thời thương cảm các nạn nhân radio đang tường thuật.

Ở trước trường, tôi thấy tình hình khá nghiêm trọng. Cảnh sát đã chặn đường để lùa xe sang trường đại học cộng đồng kế bên. Xe cảnh sát chớp đèn đậu khắp nơi, nhiều cảnh sát núp sau cửa xe đã mở, giương súng trường hướng về các tòa nhà của trường học, y như cảnh trong phim. Thấy thấp thoáng có cảnh sát đi dọc theo hành lang bên ngoài các lớp học.

Rất nhiều phụ huynh đã đậu xe và tụ tập dưới hàng cây dọc theo đường. Tôi hỏi vài người là tình hình thế nào. Họ trả lời chỉ nghe có người mang vũ khí vào trường, và cảnh sát nói là phải chờ thông cáo mới.

Lát sau, tôi bắt đầu an tâm hơn khi thấy cảnh sát đi lại tự do trong sân trường. Rồi một cảnh sát sang bên này đường, nói lớn lên: “đã giải tỏa, có thể sang trường đón con em”. Chúng tôi ùa sang, bên kia trẻ con cũng túa ra từ các ngôi nhà trong trường học. Vợ tôi ôm chầm lấy con khi gặp nó trong đám đông. Con liến thoắng kể cô giáo lấy bàn ghế chận ở cửa, học sinh và cô giáo trốn sau bàn của cô giáo và trong góc phòng. Hóa ra, ai đó trong trường thấy người lạ đi vào, mang theo một vật dài giống như súng trường. Vì đã có các vụ thảm sát trong trường học gần đây, họ lập tức báo cảnh sát.

Đây không phải là lần duy nhất chúng tôi hoảng sợ thế, và chắc chắn không phải lần cuối cùng. Chúng tôi may mắn; đó chỉ là một báo động sai. Nhưng phụ huynh của các nạn nhân bên North Carolina không may mắn như chúng tôi, và khi chở con về nhà, sự tang thương của họ ám ảnh tôi.

Sự kiện súng ống tràn lan trên đất Mỹ là một tệ nạn lớn. Không thể nào tưởng tượng rằng ở xứ sở văn minh này, phụ huynh thỉnh thoảng bị thót tim mỗi lần nghe tin về bạo động súng trên truyền hình hay truyền thanh.

Tại sao lại thế? Câu trả lời giản dị là NRA, Hội Súng Quốc Gia.

NRA là hội của những người sở hữu hay chơi súng, được thành lập ngót 150 năm nay. Trong thời gian đầu, sứ mạng của họ là giúp hội viên trao đổi tin tức và kiến thức về vũ khí, nhất là dạy cách sử dụng súng an toàn. Nhưng khoảng mấy thập niên nay, hội đã lớn mạnh hơn nhiều do đầu tư của các công ty sản xuất vũ khí, chẳng hạn như công ty Beretta, một công ty Ý nổi tiếng với nhiều loại vũ khí và đạn dược. Với số tiền ủng hộ rất lớn này, NRA góp vào quỹ tranh cử của các chính trị gia để “mua” họ, và qua đó, lũng đoạn hệ thống luật pháp của cả liên bang lẫn các tiểu bang. Một trong những “thành công” rực rỡ của họ là đã khiến Quốc Hội thông qua luật cấm chính phủ liên bang không được nghiên cứu về hậu quả của sự bạo động bằng súng. Hầu hết các chính trị gia nhận tiền của NRA thuộc về đảng Cộng Hòa, tuy trong đó cũng có một số chính trị gia Dân Chủ từ các tiểu bang bảo thủ (còn gọi là tiểu bang đỏ). Do nhận tiền, họ ra sức bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất súng đạn. Hội NRA rất giỏi trong lãnh vực tuyên truyền. Các lập luận tưởng như vô lý, chẳng hạn như: “không phải súng giết người, mà là người giết người. Nếu cấm súng, hung thủ vẫn có thể giết người bằng phương tiện khác …”, nhưng lại được một phần không nhỏ của công chúng tin.

Ông Robert Mueller, công tố viên đặc biệt của chính phủ liên bang đang điều tra về quan hệ giữa Nga và ủy ban tranh cử của ông Trump, đã truy tố một số quan chức Nga trong việc họ ủng hộ tiền bạc cho NRA và qua đó lũng đoạn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Quan hệ của họ và Nga thế nào, chúng ta chưa hoàn toàn hiểu, nhưng thành tích cản trở bất cứ nỗ lực kiểm soát súng đạn nào của hội NRA thì đã rất rõ ràng.

Một vài con số để thấy sự tràn lan súng đạn có hại thế nào cho nước Mỹ, nhất là khi so sánh với thế giới. Từ năm 1999 khi vụ thảm sát ở trường Columbine xảy ra, đã hơn 187.000 học sinh tại 193 trường tiểu và trung học đã phải chứng kiến cảnh bắn nhau ở trường học. Trong ba tháng đầu của năm 2018 đã có ba vụ bắn nhau tại trường, cao hơn số trung bình là 10 vụ một năm vào thời gian trước đây. Ít nhất 130 học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh đã bị giết, và 254 người bị thương tích. Xác suất một người ở Mỹ tử vong do súng cao gấp 10 lần các nước tiên tiến trên thế giới. Xác suất bị giết bằng súng cao gấp 25 lần 22 quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất. Súng đạn giết chúng ta nhiều hơn là bảo vệ chúng ta là điều đã được chứng minh qua các thống kê. Nhưng hội NRA lập luận ngược lại, và tìm đủ cách để che dấu các dữ kiện về súng đạn để không đến với công chúng.

Chúng ta, các phụ huynh, các ông bà, bất cứ ai quan tâm đến trẻ em và đến sự đe dọa của súng đạn trên nước Mỹ, đều cần chú ý vào vấn đề này. Hãy đi bầu tháng 11 này và hãy bầu cho những ứng cử viên dám chống lại hội NRA. Chúng ta cần khôi phục lại một nước Mỹ an toàn cho con em.