20 Tháng 10 2018
Thang Do, San Jose, CA, Thành viên của PIVOT
Bài viết này không nhắm vào Tổng Thống Trump, vì đây không phải là cuộc bầu cử tổng thống. Mục đích của chúng tôi là muốn giúp người đọc, nhất là những ai không theo dõi thường xuyên các tin tức chính trị, trên nhiều nguồn thông tin khác nhau và từ giới truyền thông dòng chính bằng tiếng Anh, nắm được những vấn đề quan trọng nhất với cộng đồng người Việt. Hiện nay, có nhiều tranh cãi ồn ào về ông Trump. Phe ủng hộ tuyên dương ông là người tài năng xuất chúng, cứng cỏi, dám nói dám làm. Phe chống đưa ra những bằng chứng ông là người dối trá, mờ ám, kỳ thị, thậm chí kém cỏi về khả năng và chỉ nhằm vào thủ lợi cho cá nhân và gia đình.
Ông Trump có là người thế nào đi nữa, việc này không quan trọng lắm khi chúng ta lựa ứng viên quốc hội liên bang và các chức vụ địa phương để bầu. Thay vì nhìn vào cá nhân ông Trump, hãy nhìn vào ưu khuyết điểm của các chính sách của mỗi bên: phe Cộng Hòa cầm quyền, cũng như phe Dân Chủ đối lập. Hãy bầu cho chính sách nào thật sự có lợi cho chúng ta và cho cộng đồng, chứ đừng tin vào những tuyên bố một chiều, nhưng huênh hoang rỗng tuếch, không mảy may bằng chứng.
Việc trước mắt có ảnh hưởng đến tất cả mọi người là kinh tế. Hiện thời, kinh tế đang tiếp tục vươn lên sau thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất trong 80 năm, nhưng chúng ta cần nhớ là sự khôi phục này đã bắt đầu từ năm 2009, dưới nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Obama. Lo ngại lớn nhất hiện nay là thâm thủng ngân quỹ đã tăng vọt đến gần 800 tỉ, cao nhất trong 6 năm. Tổng số nợ công cũng đến mức kỉ lục, hơn 21 ngàn tỉ và còn tiếp tục gia tăng rất nhanh. Đây là điều trớ trêu, vì khi kinh tế tăng trưởng, chính phủ thu được nhiều thuế hơn, có nghĩa là thâm thủng ngân quỹ đáng lẽ phải giảm xuống. Chủ Tịch Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnel thuộc Đảng Cộng Hòa, lập tức đổ lỗi cho các chi phí xã hội, như tiền già và trợ cấp y tế Medicare. Dường như ông quên một cách rất tiện lợi rằng mới chưa đầy một năm trước, Thượng Viện do đảng của ông kiểm soát, đã thông qua một luật giảm thuế khổng lồ, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia hơn một ngàn tỉ rưỡi. Việc mức thâm thủng ngân quỹ tăng vọt không phải là điều ngạc nhiên. Cả Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách, một cơ quan chính phủ, lẫn Văn Phòng Ngân Sách của Quốc Hội, đã dự đoán rằng luật giảm thuế của Quốc Hội Cộng Hòa sẽ đưa đến thâm thủng và nợ công ở mức kỷ lục. Đây không phải là chuyện gì phức tạp. Tiêu nhiều hơn thu đưa đến nợ nần, đó là điều ai cũng hiểu, kể cả các chính trị gia Cộng Hòa, tuy họ luôn vờ như không biết.
Vấn đề tác động lớn đến cộng đồng Việt là chính sách đối với người di dân và các dịch vụ xã hội, quan trọng nhất là bảo hiểm y tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính phủ Trump đã thẳng thắn với chủ trương chống di dân và tị nạn. Đã đành là không quốc gia nào có thể chấp nhận vô điều kiện người nhập cư bất hợp pháp, nhưng chính phủ đã bắt đầu trục xuất luôn người nhập cư hợp pháp, kể cả người có thẻ xanh. Đó là những người có án, cho dù án của họ không liên hệ đến bạo động hay đã xảy ra khi họ còn là vị thành niên. Họ cũng đã bắt đầu trục xuất cả người nhập cư đã hưởng bất cứ dịch vụ trợ cấp xã hội nào. Rất nhiều người gốc Việt lọt vào cả hai thành phần này. Quốc Hội Cộng Hòa ngoảnh mặt làm ngơ khi những xâm phạm này xảy ra, tuy nhiều thành viên Cộng Hòa trước đó đã từng ủng hộ di dân.
Chính phủ cũng tìm cách hủy bỏ đạo luật bảo hiểm y tế, còn gọi là Obamacare. Tuy họ đã thất bại, nhưng cuộc chiến chưa chấm dứt. Tổng Thống Trump đã phát biểu rằng ông sẽ tìm cách phá hoại đạo luật này, cho dù Quốc Hội có đồng ý hay không. Bảo hiểm y tế là điều rất quan trọng với người di dân, vì nhiều người trong số đó không có bất cứ sự bảo vệ nào khác nếu ốm đau.
Xa hơn, tuy thật ra quan trọng hơn cả bất cứ vấn đề nào khác, là môi trường. Dưới thời các tổng thống trước, nước Mỹ đã có những tiến bộ đáng kể để cải thiện môi trường, từ ông Bush (cha) cắt giảm hiện tượng ‘mưa át-xít’ cho đến ông Clinton với nhiều đạo luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như chú trọng vào sự phát triển bền vững. Đáng kể nhất là Tổng Thống Obama đã bắt đóng các xưởng điện chạy than để giảm ô nhiễm (hầu hết thế giới đã theo đuổi đường hướng này, kể cả Trung Quốc) và tăng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và xả khí thải của xe hơi. Nhưng khi Đảng Cộng Hòa nắm cả hành pháp lẫn Quốc Hội, họ đảo ngược những chính sách này và đơn phương rút chân khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris. Những quyết định này có thể giúp đảng ăn phiếu của cử tri bảo thủ và tại những vùng sản xuất than, nhưng nó gây hại vô kể cho môi trường của toàn thế giới và của chính nước Mỹ. Đây là xu hướng nguy hiểm nhất cho tương lai chúng ta, không những làm môi trường tiếp tục xuống cấp, mà còn khiến nước Mỹ mất vị trí dẫn đầu trong lãnh vực kỹ thuật sinh thái. Khi rút khỏi hiệp định và ngưng trợ giúp các ngành kỹ nghệ như xe hơi điện, năng lược sạch, chúng ta đã nhường vị trí lãnh đạo đó cho các quốc gia như Trung Quốc.
Về ngoại giao và chỗ đứng của nước Mỹ trên thế giới, đường hướng hiện nay đang làm nước Mỹ yếu đi nhiều, chứ không khiến chúng ta “vinh quang trở lại” như ông Trump nói. Quyết định rút khỏi Hiệp Định Châu Á Thái Bình Dương (TPP) là một món quà bất ngờ và vô giá cho Trung Quốc. Hiệp định này, do Tổng Thống Obama khởi xướng, đã có mục tiêu tạo nên một liên minh dưới sự lãnh đạo của Mỹ, bao quanh Trung Quốc để kềm chế sức bành trướng của nước này. Khi “nghỉ chơi”, chúng ta khiến các đồng minh choáng váng, và nhiều nước đã và sẽ ngả về Trung Quốc, vì đó là trọng tâm duy nhất còn lại để dựa vào. Chính phủ Cộng Hòa đã biểu hiện thái độ hằn học với các đồng minh cố hữu, kể cả các quốc gia cùng chung hệ thống dân chủ như Tây Âu và Canada, trong khi rất thân thiện với các nhà lãnh đạo độc tài, từ Putin đến Ủn và cả hoàng gia Ả-rập Saudi đã bị tai tiếng vì thủ tiêu một nhà đối lập ngay trong sứ quán của họ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những người ông Trump gọi là bạn, họ giống như đảng trưởng xã hội đen hơn là nguyên thủ quốc gia. Nước Mỹ trong lịch sử luôn luôn hỗ trợ những xu hướng dân chủ, nhưng hiện nay, chúng ta đã làm mất chính nghĩa đó, và điều này khiến chỗ đứng của Mỹ trên thế giới yếu đi rất nhiều.
Hiến pháp Mỹ được tạo ra bởi những bộ óc rất thông minh, đã thiết lập hệ thống tam quyền phân lập. Cấu trúc này có mục đích kềm chế những đường hướng quá khích và nhất là có xu hướng độc tài. Trong lịch sử Mỹ, Quốc Hội, cho dù đảng nào chiếm đa số, cũng đã từng thi hành nhiệm vụ kiểm soát và cân bằng quyền hành của ngành hành pháp khá tốt. Nhưng hiện nay thì không. Nhiều nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã từng phản đối kịch liệt các xu hướng của ông Trump khi ông chưa nhậm chức. Nhưng vì họ thấy sức mạnh của cử tri hậu thuẫn ông, họ im re, ngoan ngoãn như một quốc hội bù nhìn. Họ đã đánh mất chức năng chính của Quốc Hội, tức là giám sát và kềm chế các quyết định và hành động của ngành hành pháp.
Hãy bầu cho các ứng cử viên Dân Chủ ngay cả nếu bạn không hoàn toàn đồng ý với chủ trương của họ. Hãy khiến cho Quốc Hội thay đổi đảng cầm quyền. Chúng ta cần bầu cho một cái “phanh” cần thiết để hãm sự phiêu lưu liều lĩnh của ngành hành pháp.