Tâm Tình Ngày Quốc Hận

Hồng-Mỹ Basrai, Tác giả Hồi Ký Behind the Red Curtain: a Memoir (Los Nietos Press 3/2020)

 

Để tưởng nhớ ngày Quốc Hận 30 Tháng 4, đài SaigonTV 57.5 đã đưa đến khán thính giả một cuộc đàm thoại giữa hai phụ nữ Việt––cô Hồng-Mỹ Basrai, tác giả quyển hồi ký đầu tay Behind the Red Curtain (tạm dịch là Sau Bức Màn Máu) và chị Lê Bích-Trâm, người đứng ra phụ trách chương trình truyền hình đặc biệt với chủ đề “Tâm Tình Tháng 4 Đen”.

Cuộc nói chuyện trên bốn mươi phút bao gồm nhiều đề tài, từ những phút sơ khởi giới thiệu xuất xứ tác giả, những chia sẻ để mô tả rõ ràng không khí Saigon sau ngày miền nam thất thủ, đến những trình bầy về những động lực đưa đẩy sự thành hình của quyển hồi ký, dưới tầm nhìn của một thiếu nữ đang tuổi dậy thì, lớn lên trong Saigon diễm lệ để sau ngày mất nước đã rơi vào gọng kiềm khát máu của Cộng Sản Việt Nam trong bảy năm kinh hoàng.

Cô bé đó là tôi. Khi Saigon rơi vào tay cộng quân tôi vừa tròn mười ba, một lứa tuổi mà nhạc sĩ Phạm Duy đã từng gán cho những giấc mơ tiên qua lời hát “em ước mơ mang hồn, em mang hồn thi sĩ….” Và người đàn bà nhìn lại quá khứ đầy biến cố sôi nổi của quốc gia lẫn những mất mát cá nhân cũng là tôi. Nhưng trải qua bao thăng trầm, tầm nhìn bao quát về con người và cuộc đời của cô bé lớn lên trong nhung lục xưa kia đã đổi thay, đã chính chắn. Những đổi thay trong tôi đã được chồng chất theo tuổi trưởng thành cũng có, nhưng cũng do sự học hỏi và kinh nghiệm sống trên một đất nước dân chủ tự do với đầy đủ vật chất, cơ hội, khích lệ, và luật lệ bảo vệ quyền làm người.

Động lực nào đã thôi thúc tôi cố gắng tự hun đúc, mài rũa ngòi viết để cho xuất bản một hồi ký bằng Anh Ngữ, khi vốn liếng căn bản của tôi vẫn còn lung lay sau bẩy năm kẹt lại Saigon, bẩy năm đáng nhẽ phải đầy hứa hẹn đẹp nhất trong cuộc đời. Ngược lại, tôi đã phải rời bỏ ghế nhà trường sau vài cuộc vượt biên thất bại và mất nhà, mất hộ khẩu, theo số mệnh đưa dẩy nổi trôi vào tù ra khám, rồi một ngày bị đầy đi lao động cải tạo. Tôi trả lời câu hỏi trên chỉ sau vài phút suy nghĩ, vì tôi đã từng tự hỏi mình câu hỏi đó. Dĩ nhiên, tôi phải viết lại những điều mắt thấy tai nghe trong địa ngục đỏ, và cần viết không phải chỉ cho riêng người Việt mình mà cho cả thế giới hiểu vì sao chúng ta cần phải lê chân đi tha hương, bất chấp hiểm nguy và chết chóc. Và tôi cần dùng một ngôn ngữ mà các con tôi và những thế hệ mai sau có thể hiểu được, để thuật lại và cắt nghĩa tường tận cho những người chưa nếm mùi “giải phóng” hoàn cảnh cay nghiệt, sống không có ngày mai, chết không còn xác chôn trong những nhà tù cải tạo bao la hay giữa lòng đại dương mênh mông, mù mịt. Trên 1,6 triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi, trong số đó gần 400 ngàn người tử thân. Làm sao ta quên được?

Nhưng khi trả lời đến đây thì tôi nghe một tiếng sét đánh ngang tai. Có thật ta chưa quên? Một số lớn trong chúng ta có vẻ đã xoá bỏ trong trí nhớ mù mờ thân phận rủi ro đi vượt biên của mình, gõ cửa từng quốc gia xin tạm trú và định cư, gom góp dần từng miếng cơm manh áo để xây dựng lại từ đầu.

Trong thời gian bấp bênh đầu tiên ấy, nếu không có những tổ chức thiện nguyện, những hoạt động cấp tiến, những con người đầy lòng nhân ái, những đề luật đã được tranh đấu để ban hành thuận lợi cho người tỵ nạn được quyền lợi, thì đã không được trợ giúp, không thể bảo lãnh cho gia đình nhập cư đoàn tụ, đã không có cả một guồng máy chính trị đã cho ra đời một mạng lưới an toàn xã hội để từng người, từng người, bất kể nòi giống, nguồn gốc, trình độ…đều dần dần an cư lạc nghiệp, hội nhập vào xứ sở mới với niềm tin tường vào ngày mai đầy hứa hẹn.

Vì thế trả lời đến đây, tôi đã bầy tỏ với khán thính giả trên làn sóng 57.5 thêm một nguyện vọng nữa. Tôi tha thiết mong rằng câu chuyện của gia đình tôi, một câu truyện tượng trưng và giới hạn cho lịch sử bất hạnh chung của toàn thể cộng đồng người Việt tha hương trên hoàn cầu, rằng những tập hồi ký, những tác phẩm văn học nghệ thuật lưu trữ lại từ những kinh nghiệm bằng máu của chúng ta sẽ được tiếp tục viết lên, diễn tả, lưu truyền, để trong sự hồi tưởng, cộng đồng người Việt tự do hải ngoại sẽ không bao giờ quên xuất xứ đau khổ, kiệt quệ của những con người tỵ nạn bất kể mầu da, tiếng nói, tôn giáo, hay tiểu sử trình độ. Chúng ta đi khỏi nơi chôn nhao cắt rún vì chiến tranh, để thoát khỏi những nhà cầm quyền khát máu, hay vì những cuộc diệt chủng, vì hô nhiễm môi trường, hay thay đổi khí hậu đã tàn phá nơi ta sinh sống. Bất kể! Đừng quên! Ai ai cũng có quyền đòi hỏi và tìm kiếm sự sống. Như thi sĩ Warsan Shire, người Kenyan, đã diễn tả trong bốn câu thơ đầu trong bài thơ bất hủ Home mà tôi tạm dịch và trích ra đây để chia sẻ cùng người đọc:

Không ai bỏ xứ ra đi

Trừ phi quê hương là hàm nhai của loài cá mập

Bạn chỉ chạy qua biên giới

Nếu nhìn thấy cả thành phố cũng tháo chạy như người

Nếu hàng năm chúng ta còn tưởng nhớ ngày Quốc Hận trong đau thương, còn luôn luôn đặt cao niềm hy vọng vào sức mạnh dân chủ của quê hương thứ hai này, thì đừng sao lãng sứ vụ công dân. Chính trị không kém quan trọng hơn cơm ăn áo mặc, vì những biến cố chính trị có thể làm đảo lộn cuộc đời, phá vỡ tương lai của cả một giống nòi, giết mòn cả một thế hệ. Chúng ta cần hiểu kỹ càng vai trò đắc lực của từng người, tiếng nói bất khả xâm phạm của từng nhân vật trong xã hội. Già trẻ lớn bé hãy góp tay vào công cuộc xây dựng đất nước lẫn các cuộc hoạt động chính trị, từ việc trao dồi học hỏi những dự luật sắp được ra để hiểu biết kỹ càng, chính chắn, hăng say rủ nhau tham gia bầu cử cho những kẻ lãnh đạo xứng đáng để họ cương quyết thông qua những đề luật lợi ích cho cộng đồng, đấu tranh cho dân quyền dân chủ, và công bình công lý. Chúng ta cần gióng cao tiếng nói chính trị để đòi hỏi một chính phủ có uy tín và lập trường vững chắc, một hệ thống công lý thanh bạch, và những cơ quan chính quyền từ thành phố, tiểu bang, đến liên bang với nhân viên dốc tâm phục vụ cho mọi dân tộc và mọi thành phần trong xã hội đa dạng của nước Hoa Kỳ, để chúng ta đoan chắc mình sẽ không bao giờ phải trải qua một ngày Quốc Hận nào nữa.

Bài học lịch sử quý giá đã được rút tỉa.

 

Web:www.pivotnetwork.org  Facebook: https://www.facebook.com/PIVOTorg/  Twitter: @PIVOTorg