Những Vụ Tô Mặt Đen tại Cal Poly Chứng Minh Ta Cần Học Hỏi Nhiều Hơn Về Kỳ Thị Chủng Tộc
/16 Tháng 5 2018
Nguyễn Thanh Việt (Los Angeles Times Article)
Đây là lần thứ nhì trong vài tuần, một sinh viên da trắng tại Cal Poly San Luis Obispo bôi mặt đen. Lần thứ nhất là vào cuối tháng tư. Người sinh viên bôi đen mặt tên Kyler Watkins đã viết trong thơ gởi báo Cal Poly rằng “lớn lên trong sự biệt đãi dành cho người da trắng, tôi thật tình đã không hiểu cái tiêu biểu của sự bôi đen mặt.” Lúc đầu tôi cảm thấy tức giận lẫn buồn bã, rồi tôi nhớ lại lúc tôi trạc tuổi cậu ta.
Đã từng tham gia hoạt động với nhóm sinh viên tại Đại Học Berkeley những năm 1990, tôi tin ở tinh thần tương trợ chủng tộc. Tôi thiết tưởng không bao giờ có thể tô đen mặt, hoặc đội nón sombrero trong ngày Cinco de Mayo, hay giả trang thành người cắt cỏ Mễ ngày Halloween. Lúc nhận chức đồng chủ tịch hội Hợp Kết Chính Trị Người Mỹ gốc Á tại Berkeley (AAPA), tôi thiết nghĩ mình đã vững chắc các nguyên tắc căn bản. Không ngờ người nữ đồng chủ tịch kia và đám phụ nữ trong tổ chức đã lên tiếng phản đối những hành động đầy phe tính của nhóm nam giới AAPA.
Họ đòi hỏi chúng tôi phải im lặng nghe họ kết tội: nào là thụ hưởng trên sức lao động của họ, nói át họ, không để ý đến giới tính và hậu quả của những khác biệt ấy. Họ chỉ trích rằng những đòi hỏi công lý chỉ là đạo đức giả nếu không kèm theo những đòi hỏi bình quyền cho phụ nữ gốc Á. Thái độ của tôi đối với phái nữ đã không thay đổi trong một ngày, nhưng nhờ họ, tôi đã mở mắt để nhận định rằng, tôi đã trọng nam khinh nữ trong thâm tâm. Tôi không quên bài học đó, và sự cấu xé của tư tưởng trọng phụ quyền và kỳ thị nữ giới vẫn dằn vặt tôi hàng ngày.
Những năm học tại Berkeley đã giúp tôi hiểu là sự gíáo dục lẫn tự kiểm thảo rất quan trọng để giúp ta đối phó với những cái mà chúng ta coi là luật tự nhiên. Đàn ông thường cho tư tưởng nam trị là dĩ nhiên. Kỳ thị chủng tộc cũng là một phản xạ, không chỉ riêng người da trắng cảm thấy.
Lớn lên trong cộng đồng Việt, tôi thường được chứng kiến sự kỳ thị đối với người da đen và người Mễ. Dân Việt đã tuân theo phản xạ tự nhiên: Mỹ hoá qua sự kỳ thị. Hình như họ cho rằng nếu không trắng hoá nổi, ít nhất cũng không nên hoá đen.
Người Mỹ gốc Việt chắc sẽ chối cãi sự kỳ thị chủng tộc trong cộng đồng mình và sẽ đồng ý với Watkins khi anh ta viết rằng “cái tôi làm không do kỳ thị hay phân biệt chủng tộc.” Chính thực, tô nhọ mặt là một hành dộng kỳ thị và phân biệt chủng tộc, mặc dù anh sinh viên ấy có thể nghĩ anh ta không hành động trên căn bản ấy. Khi còn là sinh viên, tôi cũng không cho là tôi bất bình quyền và trọng nam khi nữ. Nhưng những hành động của tôi đã chứng tỏ điều ấy.
Hơn nữa, có thể nói là tôi đã cố tình khinh nữ mà không tự thú nhận. Những người có dụng ý tốt vẫn thường đồng loã với hệ thống cầm quyền có lợi cho bản thân, như chế độ nam quyền, trọng đãi người da trắng và quyền lợi tầng lớp. Khi chèn ép người khác được coi là tự nhiên, trong trí tưởng tượng của những kẻ khi nữ, kỳ thị chủng tộc, hay thiên vị tầng lớp, những người bị bạc đãi kia đáng bị đè bẹp.
Tôi đã may mắn được học tại một Đại Học đa dạng, và các bạn tôi đã cảnh cáo ngay mỗi khi tôi có hành động sai trái. Tại Đại Học Cal Poly San Luis Obispo, một Đại học ít đa dạng nhất trong các Đại Học công của tiểu bang Cali, tỷ lệ sinh viên là 54.8% da trắng, với khoảng 0.7% là da đen. Anh Watkins đã bị thiếu thốn, hay tự cướp đi, những dịp trà trộn chung đụng với người Mỹ gốc Phi để họ dạy anh ta hiểu hành động tô nhọ mặt là bỉ ổi.
Một trong những vai trò của giáo dục là cho ta biết những phản xạ xấu để giúp ta tránh tính xấu này. Trường Đại Học Cal Poly đã thất bại trong bổn phận giáo dục các sinh viên da trắng để họ biết cưỡng lại tánh độc quyền, trong khi lại để các sinh viên da mầu có cảm tưởng bị xa lánh và ngộ nhận. Tiếc là Cal Poly không phải là trường hợp duy nhất.
Các trường Đại Học cũng như các cơ quan giáo dục cần thay thế ý định tốt với những giải pháp thiết thực. Đa dạng hóa các giảng viên và sinh viên. Cung cấp ngân sách và tăng cường hệ thống bảo trợ cho những hoạt động giúp đỡ các sinh viên thiểu số, di dân thế hệ thứ nhất, sinh viên từ các gia đình lao động hay các gia đình cần sự giúp đỡ. Các trường Đại Học phải chu toàn nhiệm vụ của họ là giáo dục.
Hai anh sinh viên Cal Poly da trắng có lẽ sẽ không tô nhọ mặt nếu họ đã trao dồi hiểu biết về nô lệ, hành hình, hay kỳ thị. Một chương trình giáo dục từ trung học đến Đại Học cần bao gồm các lớp giáo dục về kỳ thị chủng tộc và về những kinh nghiệm đau thương của người thiểu số da mầu. Tôi đã không dám khuyên những điều trên nếu chính tôi đã chưa từng theo học khoá dân tộc học, hoặc đã không được lãnh học bổng vào cao học dưới chính sách đặc cách dành cho những sắc dân thiểu số.
Trường học cũng không nên ngừng ở những vấn đề liên quan đến màu da. Các sinh viên cần được giáo dục về giới tính và tình dục. Cho dù tôi đã quan tâm đến sự kỳ thị chủng tộc, chỉ qua bạn học tôi mới được giáo dục về giới tính và bình quyền nam-nữ. Họ hiểu rằng khi chính sách giáo dục thất bại, thì giáo dục là bổn phận của những người sinh viên cấp tiến.