Tưởng Nhớ Dì Linh
/13 Tháng 5 2018
Dì đã giúp tôi giáo dục con cái. Một điều tôi không thể thực hiện được nếu không có chương trình di dân đoàn tụ gia đình.
Chữ Hiếu—hai chữ nói lên bổn phận làm con đối với bậc sinh thành. Làm con, rồi sau này làm mẹ, tôi dần dần thấu hiểu chữ Hiếu.
Lúc bé thơ, hai cháu trai của tôi được một người ru ngủ hàng ngày. Hình ảnh mẫu tử đó mà chúng không còn nhớ là Dì Linh. Má chồng tôi bảo lãnh cho dì từ Việt Nam qua Mỹ trong chương trình di dân đoàn tụ gia đình. Từ hai bờ đại dương, má và dì đã phải đợi trên 10 năm để có ngày đoàn tụ.
Dì Linh cười suốt ngày và hay chơi với con trai cả của tôi. Dì cho thằng bé thứ nhì ăn sữa mỗi sáng. Dì quét nhà với cái chổi xể VN chỉ bán ở các chợ Á châu. Dì cho tôi các lời khuyên về đời sống khi chúng tôi cùng đi xe điện ngầm đến nơi làm việc. Ba năm sau khi đoàn tụ, dì đứt tim chết.
Lúc dì dọn vào ở với chúng tôi là lúc tôi vừa được bổ nhiệm làm công chức cho chính phủ Liên Bang. Văn phòng nơi tôi làm rất bận rộn và nhiều việc, vì thế tôi thường làm việc đến tối mịt. Được dịp làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ là niềm hãnh diện của tôi. Nhưng tôi biết rõ, nếu không có Dì Linh, tôi đã không thể cáng đáng nổi việc này. Dì đã chăm sóc các con nhỏ cho tôi khi tôi phải làm việc lâu giờ hay phải đi công tác xa.
Nay, các người lãnh đạo trong Nhà Trắng muốn bãi bỏ chương trình di dân qua đoàn tụ gia đình. Họ đang tìm cách thông qua những đề luật mới để làm khó khăn cho những người mang thẻ xanh như Dì LInh, và dọa sẽ chia cách những người này ra khỏi gia đình khiến họ lo âu sợ hãi nếu phải phòng bệnh hoặc chữa bệnh qua các dịch vụ y tế. Nếu đau ốm, làm sao một người như dì có thể phụ lo cho thân nhân thoải mái đi làm?
Chính phủ cũng cho ra các chỉ thị mới để tách rời con cái ra khỏi các bà mẹ nếu họ nộp đơm xin tị nạn tại Hoa Kỳ, và tạm giam phụ nữ có thai. Đó là các thủ tục trong chính sách áp bức hòng cưỡng bách người di dân đừng tìm cách di cư sang Hoa kỳ và tranh đấu ở lại tị nạn.
Qua giòng lịch sử Hoa Kỳ, các bà mẹ, bác cô dì, hoặc bà nội bà ngoại là những người đã thay nhau chăm sóc con cái làm vững mạnh gia đình trong khi chúng ta đóng góp đẩy mạnh kinh tế như lời nói: dân có cường thì nước mới thịnh.
Mặc dù Dì Linh không là mẹ đẻ, tôi đã nợ Hiếu với dì ngang như với mẹ ruột. Theo đúng truyền thống gia đình, bao thế hệ đàn bà trong gia đình như dì tôi đã oằn lưng chăm sóc điểm tô mái ấm gia đình. Dì đã hết lòng ủng hộ tôi trong ngành nghề, nâng đỡ tôi trong công việc giữ trẻ khi kinh tế gia đình còn khó khăn. Con tôi, và sau này cả con chúng nó đã thừa hưởng một truyền thống di dân đặt trên nền tảng gia đình và một nước Mỹ khoan dung rộng mở.
Nhân dịp ngày Lễ Mẹ, hãy cùng nhau tri ân và ăn mừng các bà mẹ, nhất là các bà mẹ di dân. Hãy yêu cầu Quốc Hội lên tiếng bảo vệ gia đình và đoàn tụ gia đình hầu tạo dựng và bền giữ một chính sách di dân đậm tình nhân bản cho xứ này.