12 Tháng 7 2019
Hieu Le & Thang Do, thành viên của PIVOT
Bài này đã đăng trên Việt Tide
Tương lai của con cháu là việc mà chắc không ai có thể thờ ơ được. Chúng ta bỏ rất nhiều thời giờ, năng lực và tiền bạc để tạo cho chúng một đời sống hoàn thiện nhất có thể. Tuy thế, rất nhiều người hầu như không để tâm đến cái môi trường sống mà con cháu sẽ thừa hưởng. Di sản chúng ta để lại sẽ là gì? Tiền bạc và của cải không mua được không khí trong lành, nguồn nước uống sạch và an toàn, hay khí hậu được giữ ở mức điều độ để tiếp tục hỗ trợ cho đời sống con người.
Chúng ta chỉ có một trái đất để sống, gìn giữ và bảo vệ. Biến đổi khí hậu là nguy cơ sống còn của nhân loại.
Môi trường và khí hậu không bao giờ là vấn đề đảng phái. Những cơn bão lớn, những đợt hạn hán, mặt nước biển dâng cao gây lụt lội, những sự kiện đó không phân biệt chúng ta tả hay hữu, Dân Chủ hay Cộng Hòa, giàu hay nghèo, vàng, nâu, đen hay trắng. Chúng không dừng lại ở biên giới quốc gia, không cần biết thể chế chính trị của mỗi nước hay các tranh chấp về lãnh thổ hay mậu dịch. Chúng sẽ tàn phá tất cả trong tầm với của chúng.
Tháng 9 vừa qua, Ủy Ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC – Intergovernmental Panel on Climate Change) của Liên Hiệp Quốc công bố bản phúc trình dài 900 trang, tổng hợp hơn 9.200 các nghiên cứu khoa học, để trình bày tình trạng của các đại dương và khối băng trên toàn thế giới. Ba ngàn nhà khoa học hàng đầu của thế giới được đề cử. Trong đó, hơn 800 chuyên gia, được lựa chọn để tham gia viết bản tường trình này.
Theo họ, nguy cơ khí hậu không còn là lý thuyết nữa, mà các dấu hiệu cho thấy trái đất bị hâm nóng do sinh hoạt của con người đã rất rõ ràng, từ những đỉnh núi cao cho đến vực biển sâu. Những gì cuộc sống của con người tùy thuộc vào đang bị đe dọa trầm trọng.
Muốn hiểu thực sự vấn đề, chúng ta cần gác sang một bên chính trị đảng phái, những định kiến không được hỗ trợ bởi khoa học và nhất là các lời tuyên truyền của các nhà chính trị hay quảng cáo của các doanh nghiệp với động cơ vụ lợi.
Mực nước biển dâng nhanh hơn người ta tưởng
Chỉ mới vào tháng 10 vừa qua, Trung Tâm Khí Hậu (Climate Central) đã công bố trên tạp chí Nature Communications bản nghiên cứu mới nhất, cập nhật chính xác hơn dự đoán về mực nước biển dâng cao. Theo bản nghiên cứu rất có uy tín này, những vùng đất sinh sống của 150 triệu người trên thế giới sẽ bị ngập nước lúc thủy triều lên.
Đáng chú ý là hầu hết Nam Phần Việt Nam với dân số 20 triệu người, từ Mũi Cà Mau đến tận Sài Gòn và kể cả Sài Gòn sẽ nằm vào tình trạng trên. Đây không phải là điều lạ lùng hay xa vời với những người sống trong các khu vực này, vì họ đã chứng kiến tình trạng thủy triều lên làm ngập khắp nơi, ngày một trầm trọng. Rất nhiều thành phố lớn và khu vực đông dân cư gần biển, như Bangkok, Thượng Hải, Miami, đều có một tương lai như nhau. Đối phó với hiện tượng này là vấn đề nan giải và rất tốn kém, nhất là với các xứ sở còn nghèo như Việt Nam.
Nhiệt độ sẽ lên đến mức con người không chịu nổi
Nhiệt độ của thế giới vẫn lên xuống trong lịch sử loài người và được coi như hiện tượng bình thường. Nhưng từ thập niên 1980, nhiệt độ trung bình đã tăng trưởng bất thường và rõ rệt. Từ năm 1998 trở về sau là những năm nóng nhất từ khi chúng ta lưu giữ hồ sơ về nhiệt độ, và năm 2016 là năm nóng kỷ lục. Vào năm 1995, một cơn sóng nhiệt đã đưa nhiệt độ ngoài trời của Chicago lên đến 106 độ F và nhiệt độ ẩm là 85 độ F, làm cho 700 người thiệt mạng. Theo nghiên cứu của đại học MIT, cơ thể con người sẽ mất khả năng tự giải nhiệt và sẽ suy sụp khi nhiệt độ ẩm ở mức 95 độ F (35 độ C).
Các nhà khoa học tiên đoán rằng việc nhiệt độ ẩm ở nhiều địa phương lên đến mức này trong các thập niên tới sẽ thường xuyên xảy ra. Độ nóng ở những nơi như Trung Đông và vùng nhiệt đới sẽ lên đến mức kinh hoàng, và sẽ trở thành những nơi con người không còn sinh sống nổi nữa.
Những thiên tai khác
Biến đổi khí hậu đưa đến các thiên tai khác mà chúng ta đã và sẽ còn phải trải qua. Các cơn bão lớn như Katrina sẽ gia tăng cường độ và xảy ra thường xuyên hơn, mỗi ngày một gây khó khăn cho những khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Mô hình khí hậu bị nhiệt độ cao thay đổi, khiến những vùng vốn khô ráo trở thành ẩm ướt hơn và ngược lại. Hạn hán và lũ lụt sẽ nặng nề và lâu dài hơn. Những xứ sở vốn nghèo và ít khả năng tìm ra những giải pháp sáng tạo sẽ bị thiệt hại trầm trọng, dẫn đến tình trạng “tị nạn khí hậu”.
Những đợt tị nạn của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 vì chiến tranh sẽ chỉ như trò chơi trẻ con so với những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Châu Phi, với mức độ gia tăng dân số chóng mặt, là thí dụ hùng hồn nhất vì đã chứng kiến các đợt hạn hán phá hoại mùa màng. Tình trạng này sẽ mỗi ngày một nguy kịch hơn và khi thiếu thốn thực phẩm, người ta không có lựa chọn ngoài di tản sang xứ khác, và nơi đến thuận tiện nhất là Châu Âu.
Những người không tin vào biến đổi khí hậu
Tuy những nhà khoa học hàng đầu thế giới đã đưa ra các nghiên cứu có tính thuyết phục, cộng với các chứng cớ rành rành như số lượng băng tảng ở Nam và Bắc Cực mỗi ngày một giảm đi, một số người vẫn không tin rằng biến đổi khí hậu có thật. Họ lập luận rằng khí hậu muôn đời vẫn thay đổi, bởi lý do thiên nhiên thay vì nhân tạo.
Ai là những người lên tiếng đả kích các lời khuyến cáo về biến đổi khí hậu? Đứng đầu và to tiếng nhất là các chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa, tuy không phải chính khách Cộng Hòa nào cũng thế (Christine Todd Whitman, cựu thống đốc tiểu bang New Jersey và cựu giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường EPA vào thời Tổng Thống George W. Bush, vẫn thường lên tiếng đả kích chính sách môi trường của Tổng Thống Trump). Họ vin vào một số “nghiên cứu” phủ nhận sinh hoạt con người là thủ phạm của biến đổi khí hậu, nhưng giấu chi tiết ai tài trợ cho các “nghiên cứu” này: các công ty dầu hỏa!
Một trong những hành động đầu tiên của Tổng Thống Trump khi nhậm chức là rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris mà Tổng Thống Obama đã ký. Trump lập luận rằng hiệp định này cản trở sự phát triển kinh tế của Mỹ mặc dầu sự thực là các quốc gia như ở vùng Bắc Âu và tiểu bang như California đã thúc đẩy ngành kỹ nghệ nhiên liệu sạch để tạo nhiều việc làm với lương cao, và làm cho những nơi đó trù phú hơn nhiều.
Tổng Thống Trump công khai ủng hộ duy trì việc khai thác than đá, tuy đây là một trong những thủ phạm chính của ô nhiễm môi trường, và các nước tiên tiến trên thế giới đều đã và đang đóng cửa mỏ than của họ. Ông ủng hộ việc khoan dầu sử dụng kỹ thuật ‘fracking’, bất chấp các chứng cớ phương pháp này sản xuất nhiều chất thải có hại cho môi trường. Gần đây nhất, ông ra lệnh giảm bớt tiêu chuẩn tiết kiệm xăng dầu và khí thải cho kỹ nghệ xe hơi, tuy chính nhiều đại công ty xe hơi đã đi ngược lại lệnh tổng thống.
Nhà cháy, ai có trách nhiệm cứu hỏa?
Một số người khác quan niệm rằng biến đổi khí hậu có thể có thật, nhưng chúng ta không cần phải “hy sinh” để ngăn ngừa nguy cơ này. Họ cho rằng chính những quốc gia đang phát triển, với dân số khổng lồ và khả năng tạo ô nhiễm môi trường cao như Trung Quốc và Ấn Độ, phải làm việc này trước. Cách suy luận này làm chúng tôi nghĩ đến cảnh một cái xóm bị cháy. Thay vì cùng nhau chữa cháy, người ta đổ trách nhiệm cho nhau. Cho đến khi quá muộn.
Cháy nhà thì ai cũng phải xắn tay áo lên mà cứu hỏa! Đó là tình trạng của thế giới hiện nay.
Chúng ta, cử tri Mỹ, phải làm gì?
Có nhiều thứ mọi người trong chúng ta nên làm và cần làm, chẳng hạn như giảm tiêu thụ xăng dầu và các sinh hoạt gây ô nhiễm và tránh sử dụng nhựa plastic. Nhưng những thay đổi có tính cách cá nhân hay ngay cả tập thể cũng không đủ để đảo ngược tình thế. Chúng ta bắt buộc phải dựa vào những cải tổ hệ thống, ở tầm mức quốc gia và quốc tế. Điều đó có nghĩa phải có một chính quyền theo đuổi chính sách khí hậu và môi trường hợp lý.
May thay, chúng ta sống trong một xã hội dân chủ, và có khả năng thay đổi chính quyền qua lá phiếu.
Trong mùa bầu cử năm 2020, chúng ta cần phải bầu cho những ứng viên hiểu và dám theo đuổi chính sách khí hậu và môi trường hợp lý, từ tổng thống đến thượng nghị sĩ, dân biểu và các chức vụ dân cử tiểu bang cũng như địa phương. Chúng ta cần làm thế vì chúng ta cần gìn giữ một trái đất lành mạnh cho thế hệ con cháu.
Các cuộc bầu cử năm 2020 có thể là cơ hội cuối cùng để cứu vãn hành tinh này. Những người đại diện chúng ta trong chính quyền cần quyết liệt cải tổ trước khi quá trễ.
Photo by Francesco Gallarotti on Unsplash