Suy Nghĩ Về Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ

3 Tháng 7 2019
Thắng Đỗ, thành viên của PIVOT

Như nhiều người Mỹ Gốc Việt, tôi đã bỏ quê hương cũ do thời cuộc để đến xứ sở này. Trong nhiều năm, tôi vẫn coi mình là người tị nạn, với ngụ ‎ý tạm bợ: tôi chỉ đang lánh khỏi những hiểm nguy của nơi chốn cũ mà tìm nơi trú ẩn an toàn. Thế còn tương lai? Cuộc sống lúc mới sang Mỹ rất mờ mịt, nên chẳng ai nghĩ nhiều đến nó, tuy có biết một điều là quay về quê cũ là điều không tưởng.

Cái xứ sở mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa cho tôi. Không những tôi có cơ hội học vấn, tốt nghiệp đại học – điều mà nếu ở lại, không chắc tôi đã đạt được. Tôi trở thành một kiến trúc sư và làm chủ một công ty thiết kế được giao cho các công trình ‘dòng chính’, công cộng và tương đối có tầm vóc. Từ đó, tôi lập ra các doanh nghiệp khác, và ở một thời điểm nào đó, cảm giác sống dưới tình trạng tạm bợ không còn nữa. Tôi trở thành một người Mỹ thực thụ, mang một tinh thần rất Mỹ: nhận được ân huệ rồi, tôi cống hiến trở lại. Tôi tham gia nhiều công tác phi vụ lợi của xã hội dân sự. Ngoài cống hiến cả công lẫn của cho công việc từ thiện ở Việt Nam, tôi gia nhập các hội đoàn đóng góp vào nỗ lực phát triển thành phố nơi tôi cư ngụ. Dần dần, người ta tìm đến tôi khi cần tham khảo hay giúp đỡ trong những vấn đề quy hoạch đô thị. Tôi dành khoảng 1/3 thời giờ làm việc của mình cho những sinh hoạt đó, hoàn toàn không lương bổng hay lợi nhuận gì cả.

Như kiểu người Mỹ nói, tôi đang sống “giấc mơ Hoa Kỳ”.

Nhưng nhìn quanh, tôi thấy không thiếu những vấn nạn. Ngoài cách biệt giàu nghèo khủng khiếp và ngày một rộng hơn, hàng ngàn người vô gia cư vì không đương nổi với giá thuê nhà cao ngất ngưởng, tôi còn cảm thấy nước Mỹ (của tôi) trong vài năm nay đang đi thụt lùi. Những tiến bộ trong quá khứ, từ sự bình đẳng giữa các chủng tộc, màu da, tôn giáo và giới tính, một nhóm người có quyền hành đang tìm cách tước bớt đi. Bảo hiểm y tế căn bản cho người nghèo – rất sơ sài do với mọi quốc gia tiên tiến khác – bị đe dọa hủy bỏ. Chính sách kinh tế rõ ràng thiên vị những người như tôi hoặc giàu có hơn, với chương trình giảm thuế rất vô trách nhiệm cho công ty và người giàu. Xu hướng bảo vệ môi trường bị đảo ngược, vì giới lãnh đạo coi cơ nguy biến đổi khí hậu là chuyện hoang đường, để mặc kệ cho các thế hệ con em đương đầu với nó sau này. Những người tị nạn tìm đến Mỹ, như tôi trước kia, đang bị từ chối giúp đỡ hay bị đối xử tàn tệ kể cả tước trẻ em khỏi cha mẹ chúng.

Có người bảo tôi: “ông chê Mỹ thế, sao không “về” Việt Nam mà sống?” Ô hay, tôi có còn là công dân Việt Nam nữa đâu mà bảo tôi về? Vả lại, nếu tôi có chê, lời chê đó phát ra từ tình yêu nước Mỹ sâu đậm trong tôi. Tôi chê không phải để dè bỉu, mà vì muốn nó khá hơn. Tôi muốn nước Mỹ đạt đến cái tiềm năng mà các nhà sáng lập ra nó đã hình dung ngay từ thuở ban đầu: một xã hội bình đẳng, pháp trị, thịnh vượng, với một chính phủ từ người dân và vì người dân.

Thế nên, khi phản ảnh trong ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ, tôi nghĩ như sau. Nước Mỹ là một xứ sở rất đáng yêu, đặc thù trên thế giới, với những thành quả rất đáng hãnh diện. Nhưng nước Mỹ cũng là một cuộc thí nghiệm về thể chế dân chủ, một công trình còn dở dang với một số khiếm khuyết. Các thế hệ người Mỹ trước tôi đã đấu tranh kịch liệt để cải tiến cho xã hội được tốt hơn, từ cuộc nội chiến để giải phóng người nô lệ da đen, đến cuộc đấu tranh quyền dân sự của thập niên 1960. Thế hệ tôi chỉ nắm lấy cái đuốc mà tiền nhân giao cho, và hiểu rõ rằng còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cái sứ mệnh xây dựng nước Mỹ.

Tôi viết những dòng này với sự suy nghĩ, không còn của một người tỵ nạn nữa, mà của một công dân Hoa Kỳ thực thụ, với tất cả những quyền lợi và trách nhiệm của nó.


Photo by Paul Matheson on Unsplash

paul-matheson-UX5feO2_QHo-unsplash.jpg