Cảm Nghĩ Của Một Người Cựu Tị Nạn

28 Tháng 12 2019
Minh Hoa Ta, thành viên của PIVOT

Bài này đã đăng trên Việt Báo Daily Online

Theo tôi hiểu,tôi lớn lên ở Việt Nam trong một gia đình khác với nhiều người. Tôi nhớ các mùa nghỉ hè bận rộn với các sinh hoạt cộng đồng, nhất là từ năm 1972 cho đến 1974. Mẹ tôi mang hết mấy đứa con tới các trại tị nạn ở Củ Chi và An Lộc. Cả nhà bỏ hết ngày hôm trước để gói rất nhiều bao gạo và phân loại quần áo cũ đã quyên được. Ngày chủ nhật lúc mặt trời chưa mọc, mười mấy người chúng tôi dồn vào một chiếc xe van hiệu Ford, chạy sau hai chiếc vận tải lớn về miền quê để trợ giúp người tị nạn. Chẳng có lần nào chúng tôi không nghe tiếng đại bác và súng từ phía xa khi xe lăn bánh trên mặt đường mấp mô. Vào cuối ngày, ông tôi đứng chờ trước cổng nhà khi chúng tôi trở về an toàn. Các chủ nhật khác, chúng tôi lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung hay ghé một cô nhi viện ở Biên Hòa. Là con gái, tôi chứng kiến ba mẹ tôi nhiều đêm mất ngủ vì mong anh tôi trở về từ nơi hành quân. Là người Việt, tôi chứng kiến nhiều dòng nước mắt vì chết chóc hay khổ đau. Tôi khóc trong lòng cho những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị mất nhà cửa, cách ly khỏi gia đình và ám ảnh bởi chiến tranh. Là đứa trẻ con, tôi lúc nào cũng biết mình được thương yêu. Tôi đủ may mắn để sống trong sự an toàn ở Thủ Đô. Tôi không thể nào tưởng tượng được sẽ có ngày chính Việt Nam Cộng Hòa cũng sụp đổ và biến tôi thành một người tị nạn.

Gia đình tôi đã sống qua ba năm dưới chế độ cộng sản, chịu đựng chiến dịch đánh tư sản, trại cải tạo, tù tội, đổi tiền tức là một hình thức cướp tiền của dân, tem phiếu thực phẩm và nhiên liệu, và cuộc động viên để bắt lính đi đánh bên Cam Bốt và ở biên giới Trung Quốc.

Mẹ tôi mang hết mấy đứa con vượt biên năm 1978, để ba tôi và ông bà ở lại. Chúng tôi đến được Nam Dương rồi từ đó xin định cư ở Mỹ. Tôi mong rằng không ai nữa phải trải qua kinh nghiệm vượt biên mười bốn ngày trên biển và sáu tháng trong trại tị nạn như của chúng tôi. Lần đầu trong cuộc đời đứa trẻ 14 tuổi, tôi sống với hàng ngàn người lạ trong một nhà kho không có điện nước cũng như sự riêng tư và khan hiếm thức ăn. Niềm hy vọng là nhiên liệu duy nhất giúp chúng tôi tiếp tục sống.

10 năm đầu sống ở Mỹ là quãng thời gian không dễ dàng gì với gia đình tôi. Chúng tôi vật lộn với những trở ngại về văn hóa và kinh tế của những người tị nạn trong một xứ sở xa lạ. Lúc còn ở tuổi vị thành niên, tôi thường tự hỏi tại sao cuộc sống có nhiều đau khổ đến thế? Rồi tôi chấp nhận đó là số phận của minh. Các anh chị tôi kiếm được việc trong các hãng xưởng, ngân hàng và nhà hàng lúc mấy đứa nhỏ hơn trong gia đình còn đi học. Tôi là một trong những thành viên may mắn được học hành trong xã hội Mỹ. Chuyên ngành Á Mỹ Nghiên Cứu Học và Xã Hội Học giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về cái lịch sử và sự phấn đấu của người di dân và các nhóm thiểu số ở xứ sở này.

Tôi hiểu được rằng người da màu, đàn ông lẫn đàn bà, đã không được quyền bầu cử cho đến cuối thập niên 1950. Nhờ sự đấu tranh của các anh chị em da màu, như những người đã tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ, hy sinh cả mạng sống trong Thế Chiến Thứ Hai để chứng minh lòng trung thành với nước Mỹ và đòi hỏi công lý xã hội, người Mỹ gốc Việt như tôi đến xứ sở này vào thập niên 1970 đã có thể ngồi phía trước xe búyt, đã có cơ hội tìm những công việc cao cấp và đã có quyền đi bầu. Hiểu về những trải nghiệm này thay đổi hoàn toàn cách nhìn của tôi về nước Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, trong 5 năm tôi đã làm cố vấn về di dân tại Oakland cho một tổ chức với thành tích giúp đỡ người tị nạn Do Thái, Ba Lan và Nga trong các thập niên 1930 và 1940, tị nạn từ Cuba trong thập niên 1960 và từ Đông Nam Á trong thập niên 1970. Tôi trở thành một giáo sư và sau đó, nắm một vai trò quản trị trong hệ thống đại học cộng đồng của California trong 30 năm qua. Ở những chức vụ này, tôi gặp hàng ngày những người Mỹ với gốc tích đa dạng từ Đông Âu, Đông Nam Á, Trung Á, Châu Mỹ La-tinh và Châu Phi. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện buồn của người tị nạn, giống như nhìn vào chính hình bóng của mình trong gương mỗi ngày. Các câu chuyện của họ giúp tôi bền bỉ hơn và cung cấp cho tôi sự hiểu biết về khung cảnh chính trị của thế giới.

Khi nào mẹ tôi kể về chuyến vượt biển hãi hùng từ Sài Gòn đến Nam Dương, các người bạn gia đình hay góp ‎ý, chẳng hạn như “Gia đình có phước đức lắm đó!  Chị làm phước quá nhiều nên được ơn trên phù hộ bình an đến nơi!” Mẹ tôi thuộc thế hệ chấp nhận khái niệm số phận, trong khi tôi hay hỏi tại sao? Nếu tôi chấp nhận rằng chuyến đi an toàn của chúng tôi là do luật nhân quả, điều đó cũng có nghĩa là cả triệu người bỏ mạng đã không sống một cuộc đời lương thiện?

Khi nhìn các hình ảnh của các con người khốn khổ mong đợi được tị nạn ở biên giới Mỹ-Mễ, tôi tự hỏi điều gì làm cho gia đình chúng tôi chính đáng hơn họ trong việc xin định cư trong khi chúng tôi cũng chẳng khác gì. Tôi tự hỏi tại sao xứ sở này có quyền cung cấp các loại vũ khí giết người và cùng lúc từ chối nhận các người tị nạn do chiến tranh. Tôi đặt câu hỏi vì sao học phí tại hệ thống Đại Học California đã tăng 1.500 lần trong 30 năm qua. Tôi không hiểu tại sao một công chức như tôi xứng đáng được hưởng quy chế bảo hiểm y tế tốt hơn những người làm thu ngân toàn thời gian tại nhà băng hay làm việc văn phòng.

Gần đây, tôi đã viếng thăm nhiều công ty ‘high-tech’ và thấy nhân viên của họ với thu nhập cao được hưởng các bữa ăn sáng, trưa và tối miễn phí cũng như phụ cấp về di chuyển trong khi những người với mức lương tối thiểu phải bỏ ra từ 20 đến 30 phần trăm thu nhập của họ cho những thứ này tuy không mua nổi bảo hiểm y tế? Tôi biết những trường hợp sinh viên ở đại học của tôi phải sống trong xe hơi, hay mấp mé trở thành vô gia cư. Xin đừng hiểu sai điều tôi nói, tôi cảm thấy may mắn có được nhà cửa, một việc làm vững vàng và nhiều cơ hội người khác mở ra cho tôi. Tuy nhiên, các cơ hội đó lẽ ra cũng phải ở trong tầm tay của những người di dân mới hoặc sẽ đến.

Nước Mỹ dư khả năng để chia sẻ một phần của tài nguyên thiên nhiên và nhân lực với thế giới. Là một người Mỹ Gốc Việt, tôi muốn có một chính quyền đặt các vấn đề nhân quyền, săn sóc sức khỏe và giáo dục ở mức ưu tiên vì chúng ta là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Tôi muốn có một nhà lãnh đạo cổ xúy cho hòa bình, và dang tay đón nhận người di dân và tị nạn đến xứ sở đẹp đẽ tự do này. Tôi ủng hộ các chính trị gia đại diện cho các giá trị của tôi và sẽ bầu cho các ứng cử viên tin vào sự công bằng, bình đẳng, công l‎ý xã hội và bảo vệ Trái Đất cho mọi người!