Nước Mỹ là xứ của người di dân. Hãy tuyên dương văn hóa của mình!

18 Tháng 18 2019
Mary Nguyen, thành viên của PIVOT

Bài này đã đăng trên Việt Báo Daily Online

Bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên báo Mercury News

Không biết đã bao lần tôi suýt đầu hàng sức quyến rũ muốn trở thành người “da trắng” để hòa nhập vào xã hội chung quanh tôi. Năm học mẫu giáo, sau khi bị một đứa bạn cùng lớp chế nhạo rằng món chà bông tôi mang theo nhìn giống tóc người, tôi đã đòi chuyển sang Lunchables (loại thức ăn làm sẵn của Mỹ). Mùa Tết, tôi không chịu mặc chiếc áo dài ưng ý nhất đi học vì sợ bị chê cười.

Mỗi khi cha mẹ tôi nói chuyện hay gọi tôi bằng tiếng Việt ở nơi công cộng, tôi đỏ mặt vì xấu hổ. Tôi trả lời bằng tiếng Anh để tỏ ý không bằng lòng, tuy biết điều này sẽ làm tôi và cha mẹ xa cách nhau hơn.

Khi trưởng thành và hiểu biết hơn về nguồn gốc của mình, tôi bắt đầu có khái niệm về những gì gia đình tôi đã trải qua khi là thuyền nhân và tôi thông cảm hơn với hoàn cảnh của gia đình và những người tương tự.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, người Việt đã tìm đủ mọi cách để vượt biên đến bến bờ tự do và thoát khỏi chế độ cộng sản, nhưng sự tự do họ tìm thấy đi đôi với một cái giá họ không thể định trước được. Họ phải trút bỏ phần nào căn cước của mình để hòa nhập vào cuộc sống mới. Nhiều thế hệ người Mỹ gốc Việt do đó bị hụt hẫng và họ băn khoăn về giá trị của văn hóa gốc của mình trong xã hội họ đang sống.

Chúng tôi bây giờ là người Mỹ, nhưng câu chuyện của chúng tôi không nhất thiết gắn liền với đất nước này. Chúng tôi có một lịch sử và trải nghiệm khác và nằm ngoài cái người ta gọi là ‘Giấc Mơ Mỹ Quốc’. Con Rồng Cháu Tiên  là truyền thuyết để giải thích nguồn gốc của người Việt Nam, và tuy chúng tôi đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, gốc tích này vẫn còn đó và không thể bị xóa đi, nếu tôi chấp nhận và chịu sở hữu nó.

Tôi đã phấn đấu để dung hòa nguồn gốc Việt Nam của minh với xã hội chung quanh vì cũng như nhiều người, tôi quan niệm rằng mình phải giống người da trắng nếu muốn thật sự trở thành người Mỹ. Cay đắng thay, định nghĩa về “người Mỹ” theo cách này lại chỉ duy trì đẳng cấp thượng tôn của người da trắng trong lịch sử và bắt chúng tôi phải uốn nắn theo tiêu chuẩn và tập quán của họ.

Sự tự tôn của người da trắng trên xứ sở này đã được sử dụng để giải thích cho hành vi cướp đất của người thổ dân Da Đỏ và bào chữa cho nỗ lực đồng hóa họ, nếu không nói diệt chủng. Xu hướng muốn ‘làm nước Mỹ trắng hơn’ vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, tuy chúng ta có thể không cảm nhận được, hay tuy nó không lộ liễu như những câu nói phi nhân tính như “giết người Da Đỏ để cứu họ”.

Joi Barrios-LeBlanc, một giảng viên trong ngành Đông Nam Á Học tại đại học UC Berkeley giải thích rằng “quá trình thực dân chỉ được hoàn tất khi người ta chấp nhận rằng nền văn hóa của kẻ thống trị cao hơn văn hóa của chính họ.” Chúng ta không thay đổi được quá khứ. Tuy thế, khi tuyên dương văn hóa của mình, chúng ta tự cho phép gỡ bỏ các tiêu chuẩn do người da trắng đã áp đặt. Giống dân và chủng tộc nào cũng có giá trị. Lịch sử và niềm tin nào cũng nên được tuyên dương, và chúng ta cần phải trân trọng các trải nghiệm đa dạng của mọi người.

Hãy tìm hiểu gốc tích của mình và đừng sợ hãi duy trì các giá trị văn hóa khác biệt với tập quán của ‘dòng chính’. Vài thí dụ như phát âm tên họ của mình theo đúng giọng, sinh hoạt theo tập quán văn hóa gốc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và ăn mừng những ngày lễ truyền thống. Có thể chúng ta cho rằng những thay đổi này rất nhỏ, nhưng khi tuyên dương gốc tích của mình, chúng ta kháng cự lại được sử tẩy bỏ lịch sử và giành lại quyền xác định mình là ai.

Hãy trân trọng và chấp nhận sự khác biệt văn hóa giữa chúng ta và dòng chính để ngăn không cho quá trình thực dân có thể hoàn tất. Hãy đón nhận lấy cái đẹp của các cộng đồng đa dạng vì đó chính là nét đặc thù của người Mỹ. Nói cho cùng, đây là một xứ của người di dân, và chúng ta nên tuyên dương văn hóa của mình.