Chúng Ta Cũng Là Người Mỹ

2 Tháng 7 2018

Phuong-Chi Nguyen

Gia đình tôi qua Mỹ năm 1975, sau khi Sài Gòn mất. Chúng tôi được giải cứu ngoài biển và được gửi đến Trại Pendleton ở San Diego. Năm tháng sau đó, tôi được sinh ra.

Là đợt người tỵ nạn đầu tiên sau chiến tranh, chúng tôi được chào đón và giúp đỡ. Người Mỹ giúp chúng tôi tìm việc làm và bắt đầu một cuộc sống mới. Trong trường, tôi nghe lời thầy giáo và cố gắng học chăm chỉ.

Người Mỹ gọi những người như tôi là "model minority," người nhập cư tốt, a good immigrant.

Những năm sau đó, gia đình tôi gặp rất nhiều may mắn. Mẹ tôi đã thi đậu quốc tịch và bảo lãnh cho gia đình đoàn tụ với cha mẹ, anh chị, con cháu. Chúng tôi đi làm, mở tiệm làm nail, văn phòng mua bán địa ốc. Những người qua sau cũng vào quốc tịch và xin cho người nhà đoàn tụ. Dần dần chúng tôi được đoàn tụ với những người thân yêu mà chúng tôi đã bị tách rời.

Người Mỹ nhìn chúng tôi và nói, "Đó là ‘the American Dream.’” Đó là tinh thần của nước Mỹ. Chúng tôi là những người nhập cư rất tốt.

Hai mươi năm sau, khi tôi lên đại học, nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề lớn ở California. Chính phủ không chấp nhận những người này, nhưng họ có làm khó khăn cho ai đâu. Tôi thấy nên để họ đi học, đi làm—nhưng tôi không biết nói thế nào để giải thích ý kiến của tôi. Tôi không biết những câu để hỏi về luật pháp. Tôi chỉ biết những câu nói cho chính bản thân được chấp nhận tại Mỹ.

Bây giờ, Ông Trump là Tổng thống và đảng của ông khẳng định nước Mỹ phải kết thúc “chain migration.” Chain migration là gì? Chính phủ chỉ trích rằng một người có quốc tịch có thể kéo theo một gia đình đông người nhập cư. Những người này không có kỹ năng và ít trình độ giáo dục, nhưng được thẻ xanh quá nhanh. Những người nhập cư này không tốt cho xã hội. Họ lấy việc làm của người Mỹ.

Nhưng đây cũng là cách chúng tôi đã đến nước này. Tất nhiên, tôi ủng hộ đoàn tụ gia đình. “Mẹ,” tôi gọi điện thoại, tức giận. “Đây là gia đình mình mà chính phủ đang nói đến. Họ nói như chúng mình lừa dối, như mình không có quyền ở đây khi mình đã làm mọi việc đàng hoàng.”

"Con gái, con đang đọc báo bậy bạ nào vậy?”

“Mẹ ơi, đây là ý kiến của Nhà Trắng. Đây là Ông Tổng thống.”

Đảng Republican đang nói nhập cư theo “merit-based” tốt hơn. Những người nhập cư giàu có trước khi đến Mỹ bây giờ là những người nhập cư tốt. Những người nhập cư đã biết tiếng Anh thay vì những người phải học như chúng tôi.

Bác gái của tôi làm ca đêm và nghe băng tiếng Anh hàng ngày trong nhiều năm. Trước khi đi làm, bác chăm sóc con cái để những người khác trong gia đình có thể đi làm. Bác thường làm thêm giờ để kiếm thêm tiền. Sau khi đậu quốc tịch và bảo lãnh cho con gái mình, bác ấy vẫn nói tiếng Anh sai. Bác vẫn ăn lương thấp.

Theo chính phủ này, bác tôi là một người nhập cư “không tốt.” Bác đã mang qua thêm người nhập cư “không tốt.”

Một điều rất rõ ràng. Với Ông Trump và đảng của ông, không có ai là người nhập cư tốt. Ông Trump cũng nói rằng tất cả những người di cư bước qua biên giới sẽ bị bắt—ngay cả khi họ đang xin phép chính phủ tị nạn. Con cái họ bị bỏ tù, và chính phủ không cho cha mẹ những đứa bé này biết cách tìm con. Đây không phải là luật pháp.

Trong một tháng, chính phủ đã chia cách 2.000 đứa trẻ khỏi bố mẹ chúng—nhiều em quá trẻ, chỉ chừng vài tháng. Khi cảnh sát biên phòng và nhân viên ICE tách rời trẻ em khỏi cha mẹ chúng, các em khóc và họ cười. Đây không phải là luật pháp.

“Ác như Việt Cộng,” tôi nói với mẹ tôi, nước mắt tôi dàn dụa. Thật đau lòng cho tụi trẻ. Tôi lo lắng cho đất nước này.

“Gia đình bạn đã đến đây hợp lệ,” mọi người nói khi tôi bênh vực người nhập cư. "Họ đã làm trái luật."

Khi còn trẻ, chỉ câu này thôi cũng đủ làm tôi im bặt. Tôi là người theo luật. Tôi là người tốt và ngoan. Nhưng mà tôi sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ. Người Mỹ thường chống lại các luật không công bằng. Người Mỹ nhất quyết chính phủ phải theo luật.

Những người nhập cư đến biên giới hiện đang sống nhờ sự chăm sóc của thế giới—giống như người Việt chúng ta bốn mươi năm trước. Khi chúng ta mất nước, chúng ta được sự giúp đỡ của những người Mỹ có lòng tốt. Hôm nay, chúng ta là những người đó. Chúng ta là người Mỹ.

Chúng ta làm việc chăm chỉ và cố gắng lấy quốc tịch để đoàn tụ với gia đình, nhưng nhiều người Việt có quốc tịch Mỹ mà chưa bao giờ đi bầu.

Đối với người Việt, gia đình là quan trọng nhất. Khi chính phủ muốn cấm gia đình Việt Nam qua đoàn tụ và khi gia đình di dân đang bị tách chia, chúng ta phải đi bầu. Chúng ta phải nói chuyện với cha mẹ, chú bác và anh chị em để giúp mọi người đi bầu.

Xin đừng quên chặng đường khó khăn của chính chúng ta và không nên làm ngơ trước nỗi đau khổ của bao gia đình khác. Hiện nay, chúng ta là người Mỹ. Nhưng mãi mãi, Chúng ta vẫn là người Việt.

Nguyen family ( so many of us) at Camp Pendleton, San Diego 1975