Như Những Gia Đình Đó

22 Tháng 6 2018

Tiến Sĩ  THU QUÁCH, Ủy Viên Trưởng Ban Chính Sách hội PIVOT

Gia đình tôi—gồm cha mẹ, hai anh chị và tôi—đã lấy thuyền trốn khỏi Việt Nam năm 1979 và đến Hoa Kỳ dưới phương diện tỵ nạn.  Chúng tôi nằm trong số 800.000 thuyền nhân đã can đảm liều chết trong cuộc vượt biên đầy bất trắc nguy nan để tìm lấy một đường sống. Tôi thường bảo với hai con trai tôi rằng: mình là một trong những gia đình may mắn, vì chúng mình còn sống thoát bên nhau. Nhiều gia đình không được cái may mắn đó.   

Trong những năm mới định cư, cha mẹ tôi phải kiếm tiền bằng nhiều cách cho gia đình đủ sống. Ngoài chuyện cố làm việc nhiều giờ, cha mẹ còn cho thuê một phòng trong căn nhà ba phòng ngủ của chúng tôi. Người thuê thường là một ông độc thân, hay một cặp vợ chồng, hoặc một gia đình ít người. Thường thì họ chỉ ở tạm khoảng một năm hay ngắn hơn, cho tới khi tìm được nơi khác thường trú.

Dầu vậy, có một lần, mẹ tôi đã quyết định làm một điều ngoại lệ. Bà nhận một gia đình đông người vào ở—gồm người cha, bà mẹ già của ông, và ba cậu con trai nhỏ. Đồng ý cho một gia đình quá đông vào ở cùng với năm ngừoi chúng tôi là điều bất thường. Rồi chúng tôi hiểu được lý do.

Nghe trộm chuyện hàn huyên giữa mẹ và cụ bà đó, tôi biết được tại sao ba cậu con, dưới tuổi 12, đã không còn mẹ. Trong chuyến vượt biển, người mẹ, cùng với những phụ nữ trẻ hơn và các người con gái, đều bị bọn hải tặc Thái bắt đi. Những cậu con đó đã phải chứng kiến cảnh khủng khiếp khi người mẹ của chúng và những phụ nữ khác bị cưỡng bức ra khỏi thuyền tại hải phận Thái Lan. Chẳng ai biết những người bị bắt đã sống chết thế nào.

Tôi còn nhớ ba cậu con trai này. Cậu lớn nhất rất trầm lặng và u uẩn. Cậu giữa thì nói năng nhiều hơn nhưng vẫn còn rụt rè, và cậu nhỏ nhất, vào khoảng tuổi tôi (có lẽ bảy hoặc tám tuổi) thì luôn luôn quấn quýt bên bà nội. Có lần tôi cãi lộn với cậu nhỏ này, một chuyện thường xảy ra khi trẻ nít chơi đùa với nhau. Lúc đó mẹ tôi và bà nội cậu ta chạy ra can, và ngay lập tức mẹ tôi la tôi, bảo rằng lỗi là do tôi.  Tôi nghĩ mẹ quá bất công. Nhưng sau đó, mẹ vào phòng cắt nghĩa cho tôi rõ tại sao mẹ đã làm như thế. Chỉ vì mẹ tôi đã đau xót cho những cậu con trai kia, và bà muốn cho cậu nhỏ, dù chỉ một khoảng khắc ngắn ngủi, được cảm nhận tấm lòng che trở của một người mẹ.

Vài năm sau, tại đại học, tôi đã hiểu thêm về “compassion fatigue—sự chai dạn trong lòng từ bi” trong một khoá học về Ngừơi Mỹ Gốc Á, và những nỗ lực làm chán nản thuyền nhân của nhiều chính phủ, hòng đẩy lui khổ dân khỏi bến bờ tự do, ngay cả nhắm mắt làm ngơ khi nạn hải tặc gia tăng, hoặc đẩy tầu tỵ nạn ra khơi trở lại để thuyền nhân chết chìm hay trở thành nạn nhân của hải tặc. Thế nhưng, những chuyến tầu tuyệt vọng vẫn cứ đổ vào, vì những nguy cơ họ đối diên nơi biên giới vẫn còn quá thấp so với những gì họ trải qua nơi quê nhà. Những nguy kế vô hữu dụng mà các chính quyền quốc tế tạo ra để đẩy lui người tỵ nạn chỉ gây thêm nạn nhân—bao người chết và bao người bị bỏ rơi, phải sống trong nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi những mât mát đau thương và những gì họ chứng kiến.

Mới đây, Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đã thông báo rằng Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính sách “zero tolerance—Không Khoan Nhượng” đối với di dân bất hợp pháp, bằng cách tách rời trẻ em khỏi gia đình di dân, với mục đích can ngăn người tìm lánh nạn tại các cửa ải biên phòng. “Chúng tôi sẽ kết án các người, và con trẻ sẽ bị chia cách khỏi các người như luật pháp ban hành.” Hơn 2300 trẻ em—con số này tiếp tục gia tăng mỗi ngày—đã bị cưỡng ly khỏi cha mẹ chúng. Ngày 20 tháng 6, 2018, TT Trump đã ký một Sắc Lệnh chấm dứt sự chia rẽ gia đình, nhưng đã không đề cập đến thủ tục tái đoàn tụ những gia đình đã bị phân ly, cũng như đã không đưa ra giải pháp chấm dứt những áp bức dã man đối với người di cư tỵ nạn.

Tôi đang nghĩ đến gia đình nọ, và ba con trai của họ. Cảnh ly tán đau thương của ba cậu bé và mẹ các cậu đã ám ảnh tôi cho đến ngày nay, nhất là bây giờ, khi tôi đã là mẹ của hai bé trai. Dưới mắt tôi, những gì chính phủ đang thi hành không khác gì những tội ác của bọn hải tặc, cũng như các chính quyền đã chấp thuận để chúng hoành hành, thậm chí còn ủng hộ chúng.

Từng là người tỵ nạn, một người mà cha mẹ đã một thời phải liều lĩnh quyết định hy sinh tính mạng để đi tìm sự sống, tôi cảm thông cho những gia đình nay đang rải rác khắp các biên giới. Làm sao tôi có thể kết tội họ, lý do họ phải kiếm nơi lánh nạn, khi tôi đã từng như họ?

Là người tỵ nạn, tôi chống đối những hành động của chính quyền, những hành động vô ích và vô nhân đạo. Tội ác đối với thiếu nhi là tội ác vi phạm nhân quyền.

Là một người tỵ nạn, tôi kêu gọi các người tỵ nạn khác đồng lòng liên kết chống lại chính sách chia rẽ con nhỏ ra khỏi gia đình những người đang khao khát một nơi lánh nạn, cũng như phản đối cách đối xử kỳ thị hiện hành đối với những gia đình khốn khổ này.

Bởi vì, một thời không xa, chúng ta đã từng là những gia đình này, cũng cùng quẫn và tuyệt vọng như họ.