Sống âm thầm, chết âm thầm và chờ đợi tại nước Ý

16 Tháng 3 2020
Nguyên tác: In Italy, we live in silence, die in silence — and wait, của nhà báo người Ý Monica Maggioni đăng trên tờ Washington Post ngày 13 tháng 3, năm 2020
Chuyển ngữ:
Thắng Đỗ, thành viên của PIVOT

Calco, Ý – Trước khi nạn dịch đến, cuộc sống bình thường của tôi khá bận rộn, đi đi về về từ Milan đến Rome do công việc. Vì thế, tôi đã không để ý đến các tin tức đáng lo ngại từ Trung Quốc. Ngay cả khi dịch truyển nhiễm bắt đầu tại khu Codogno gần Milan, đối với tôi đó cũng chỉ là một tin bình thường như bao nhiêu tin khác.

Khi nạn dịch đến gần, tôi ngạc nhiên là mình phải làm một chọn lựa khó khăn – và phải quyết định thật nhanh. Thứ nhất: sẽ sống ở địa phương nào cho qua dịch này? Tại Rome, nơi tôi sống và làm việc, hay trở về ngôi làng nhỏ ở ngoại ô Milan nơi tôi còn bố mẹ già? Cuối cùng, tôi chọn sống gần bố mẹ để giúp đỡ họ. Kết quả là gia đình tôi phải chia làm hai vì cơn dịch này.

Đã mấy hôm nay, tôi tự giam mình trong một nơi mà thời gian dường như đã ngừng lại. Mọi cửa tiệm đều đóng cửa, trừ tiệm bán thực phẩm và thuốc tây. Tất cả các quán rượu và nhà hàng đều đóng cửa. Mọi dấu hiệu nhỏ nhoi của sự sống đã biến mất. Đường phố vắng tanh. Ngay cả đi bộ cũng bị cấm trừ khi mang theo giấy tờ để giới thẩm quyền biết lý do ra khỏi nhà. Lệnh phong tỏa bắt đầu từ Lombardy nay đã bao trùm khắp nước Ý.

Với nhiều người Ý, các cảnh báo bình thường về nạn dịch này không đủ để cho họ thay đổi thói quen. Tự dối có thể là một phản xạ tự nhiên. Đổ lỗi cho các yếu tố từ nước ngoài hay làm như tin tức này không có thật hẳn thuận tiện hơn cho mọi người. Nhưng rồi, sự thật vẫn đến: Chủ Nhật tuần qua, Đức Giáo Hoàng Francis đã không hành lễ từ cửa sổ của Tòa Thánh Vatican như thường lệ, mà qua video, một phần để tránh đám đông, nhưng cũng để đưa ra thông điệp. Đó là dấu hiệu mãnh liệt nhất để mọi người tỉnh thức.

Giờ đây, cánh cửa gỗ của những nhà thờ nhỏ bé trong các ngôi làng đã đóng im ỉm. Người già ở Lombardy còn nhớ rằng ngay cả trong thời chiến, nhà thờ là nơi trú ẩn cho mọi người, và mang cho họ đôi chút giải tỏa. Giờ đây, người ta bức xúc vì ngay cả đám tang cũng không được tổ chức. Ở Ý, bạn đang chết âm thầm và được chôn âm thầm.

Sự yên tĩnh phủ trùm khắp nơi. Vì đây là cuộc chiến tranh âm thầm: không bom đạn, không bắn nhau, không la hét. Không xe hơi, không xe máy, không có trẻ em chơi đùa trên đường phố. Hầu hết những sinh hoạt bình thường hàng ngày đều bị cấm. Ở một xứ sở mà cuộc sống rất nồng nhiệt (và còn hơn thế nữa), sự thay đổi này đi cùng với cái giá rất lớn phải trả. Trong tương lai gần, nếu mọi việc tiến triển tốt, chúng ta sẽ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng hiện nay thì chưa.

Như nhiều người, tôi vẫn giữ liên lạc với đồng nghiệp, bạn hữu và gia đình qua điện thoại, tin nhắn và WhatsApp. Chúng tôi luôn luôn trao đổi tin tức. Sau mỗi bữa ăn tối, bố mẹ tôi, các anh em và cháu tụ họp trên Skype. Đó là một thói quen mới, một phương cách để giữ chặt chẽ quan hệ gia đình.

Trên mạng xã hội, bàn cãi về nạn dịch mỗi ngày một nhiều. Vài người bạn bác sĩ rất thân của tôi đã quyết định làm việc ở ngay tuyến đầu. Không có cách nào diễn tả được trải nghiệm của họ. Vì thiếu giường chăm sóc chuyên sâu, họ phải làm các lựa chọn vô khả thi: giúp ai và không giúp ai, ai đã quá già hay quá yếu để cứu. Việc này có thể hủy hoại khả năng phấn đấu của một con người.

Họ cho tôi biết rằng nếu các con số tiếp tục tăng trưởng theo tốc độ hiện nay, trong tương lai rất gần họ sẽ không đủ sức kháng cự nữa. Điều này đang xảy ra ở Lombardy, nơi có hệ thống y tế được coi như đáng tin cậy, tân tiến và hữu hiệu vào bậc nhất ở Châu Âu.

Những con số sẽ hạ xuống do tác dụng của nỗ lực ngăn cấm đi lại để giảm bớt sự lan tràn của bệnh. Nhưng điều đó phải nhiều tuần nữa mới xảy ra.

Dĩ nhiên, tôi biết rằng những gì đang xảy ra tại đây có thể lập lại ở Rome tuần tới, ở Pháp hay Đức tuần sau nữa. Mỹ có thể sẽ trễ hơn một hai tuần. Dường như sự chuyển tiếp về cách cảm nhận, về cách bàn luận chính trị, đang xảy ra khắp nơi, và chỉ khả năng đối diện với sự thật của mỗi quốc gia làm nó chậm đi hay nhanh hơn.

Tôi đã thấy vài dấu hiệu cho phép chúng ta hy vọng: Các cơ quan nhà nước Ý đã mở cửa trở lại và đã hoạt động. Các bác sĩ và y tá làm việc ngày đêm giúp người khác mà không ngại nguy hiểm cho tính mạng mình. Một tinh thần cộng đồng mới đã dấy lên tại Milan. Những người trẻ tuổi tình nguyện đi mua sắm và lấy thuốc tây cho các hàng xóm nhiều tuổi hơn  đang bị quản thúc tại các căn hộ trong thành phố.

Sẽ có lúc chúng ta có thời giờ để nhìn lại và tính sổ, những gì đã xảy ra tốt và những gì sai trái – khi chúng ta đã an toàn để làm việc đó. Chúng ta biết đây không phải chỉ là một dịch cúm khác; nó là một vi-rút mới rất đáng sợ với khả năng đe dọa cả một quốc gia, toàn Châu Âu và có thể toàn hành tinh. Không có phép lạ nào ngoại trừ sự kính trọng tuyệt đối với những hướng dẫn của các nhà khoa học, một nhu cầu về tinh thần cộng đồng và một hệ thống y tế với khả năng thăm dò được các phát triển mới của vi-rút này.

Tạm thời, tất cả đều yên tĩnh bên ngoài khung cửa sổ của tôi. Không có dấu hiệu của sự sống. Tiếng còi xe cứu thương thỉnh thoảng phá vỡ sự yên tĩnh đó.

Ở Ý, nếu bạn không bận rộn chống chọi với vi-rút, bạn nín thở. Và chờ đợi.

Image Credit: Paramedics carry a hazardous medical waste box as patients lie on camping beds in one of the emergency structures set up to ease procedures at the Brescia hospital in northern Italy on Thursday. (Luca Bruno/AP)